LỜI TÒA SOẠN: Trong những năm vừa qua, nhìn nhận một cách khách quan không thể phủ nhận được vai trò của các dự án BT (đổi đất lấy công trình). Các dự án BT đóng góp một vai trò trong sự phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và điều kiện môi trường. Đặc biệt, các dự án BT nếu được thực hiện một cách nghiêm túc và minh bạch sẽ còn góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
Mô hình đầu tư theo hình thức BT có thể hiểu một cách đơn giản hơn đó chính là các dự án được xây dựng, được chuyển giao, hay còn được gọi là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Nhìn tổng thể thì hình thức này đã góp phần không nhỏ phát triển hệ thống hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ lợi ích cộng đồng, đặc biệt là huy động nguồn lực khu vực tư nhân. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế cũng vạch ra nhiều lỗ hổng và vấn đề đã, đang hiện hữu trong quá trình thực hiện các dự án BT.
Hậu quả từ “miếng bánh BT” gây ra dường như đến sớm hơn dự kiến, những sai phạm dẫn tới thất thoát hàng trăm tỷ là điều không hiếm ở mô hình đầu tư dự án này.
Tại hội thảo khoa học: “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra vào tháng 3/2020, với sự tham dự của các lãnh đạo, chuyên gia và nhà khoa học của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc hội và UBND một số tỉnh, thành phố phía bắc cũng chỉ ra nhiều vấn đề xung quanh việc triển khai các dự án BT.
|
Theo Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30-1-2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, đến nay cả nước đã có 336 dự án PPP (trong đó, 140 dự án theo hợp đồng BOT, 188 dự án theo hợp đồng BT và tám dự án được áp dụng các loại hợp đồng khác); huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia). Trong đó, 99 dự án BT với tổng vốn đầu tư khoảng 117.421 tỷ đồng, ba dự án theo hình thức khác.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, đối với các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ một số bất cập (tương tự như các dự án BOT) về công tác công bố dự án, lạm dụng chỉ định thầu, công tác giám sát lỏng lẻo... Ngoài ra, công tác xác định giá trị quỹ đất để thanh toán còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán, chênh lệch giữa giá đền bù, giá công bố của chính quyền địa phương và giá bán của nhà đầu tư gây bức xúc trong xã hội.
Hơn nữa, nhiều dự án đầu tư được phê duyệt khi không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; Việc xác định giá trị nghiệm thu thanh toán áp dụng giá vật tư, xăng, dầu, cát vàng, xi-măng… không đúng tại thời điểm thi công làm tăng giá trị ảo cho dựa án.
Tính đến thời điểm 2018, qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước tới nay, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.
Thanh tra Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định Pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn TP. Hà Nội. Tại thời điểm thanh tra, có 15 dự án theo hình thức hợp đồng BT, chỉ có một dự án thực hiện đấu thầu, còn lại đều là chỉ định thầu.
Tại một số dự án BT, có hiện tượng cơ quan chức năng TP. Hà Nội thẩm định, phê duyệt sai, ẩu, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định thu tiền sử dụng đất.
Với thực trạng như vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đặt câu hỏi: "các dự án BT sẽ mang lại lợi ích cho ai?". Thực chất, các dự án BT là sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ. Điều này dẫn đến việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, khi một con đường mới được xây dựng theo hình thức BT, chủ đầu tư lại được giao đất đối ứng ngay cạnh dự án đó. Như vậy, rõ ràng khi dự án được hoàn thành, giá trị bất động sản tại khu đất đó sẽ được tăng lên nhiều lần. Con đường mới xây đó không gì khác là phục vụ cho chính dự án của chủ đầu tư và cư dân tại đó sau này. Trong những năm vừa các dự án BT mặc dù được đã đặt nhiều kỳ vọng, tuy nhiên do quá trình thực hiện còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả không cao, chủ yếu mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Nhận định từ phía Thanh tra Chính phủ, việc giám sát thực hiện hợp đồng các dự án BT (xây dựng — chuyển giao) của UBND TP Hà Nội và các cơ quan có liên quan còn chưa chặt chẽ. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh, tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.
Bài 3: Dự án thất thoát hàng trăm tỷ
Như chúng tôi đã thông tin, những năm trở lại đây, tại nhiều thành phố trên khắp cả nước rộ lên phong trào các doanh nghiệp thi nhau làm dự án BT, mục đích chủ yếu họ nhắm tới là quỹ đất đối ứng hoàn vốn mà chính quyền giao cho.
Một dự án thất thoát hàng trăm tỷ
Nhờ miếng bánh BT, nhiều doanh nghiệp đã lớn nhanh như thổi, có thể kể tới CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty CP Him Lam, Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh hay mới đây nhất là Công ty cổ phần Tasco,...
Nhưng ít ai ngờ, bên cạnh việc giúp các doanh nghiệp thành danh, miếng bánh BT lại đem đến những hệ lụy sớm hơn người ta mường tượng.
Theo đó, Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan tới nhiều dự án BT. Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức BT do Công ty Cổ phần Tasco là nhà đầu tư.
Ngày 4/2/2008, UBND TP Hà Nội có quyết định thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức hợp đồng BT do Công ty Cổ phần Tasco là nhà đầu tư được giao lập dự án đầu tư xây dựng.
Dự án có điểm đầu là nút giao với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70, đi qua các khu đô thị Mỹ Đình 1 - 2, khu đô thị mới Xuân Phương Tasco… thuộc phường Mỹ Đình, Phương Canh, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.
Tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, mặt cắt ngang 50m gồm 8 làn xe. Mức đầu tư của dự án là 1.543 tỷ đồng.
Dự án được Tasco khởi công ngày 15/2/2009, tuy nhiên dự án bị giãn tiến độ nhiều năm đến tháng 4/2017 mới hoàn thành.
Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án lựa chọn chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với qui định của Luật Đất đai; việc không qui định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT và dự án này cũng được giao đất đối ứng khi dự án BT chưa hoàn thiện.
Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tại Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương: Do giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Kiểm toán cũng cho hay, việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
“Dự án Khu đô thị mới Xuân Phương mặc dù hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng”, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
Đồng thời, tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trên, cơ quan này khiến nghị xử lý tài chính với dự án này lên tới 391,6 tỷ đồng.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng có kết luận chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án trên. “Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, UBND thành phố Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn kí hợp đồng với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo yêu cầu”, kết luận Thanh tra Chính phủ nêu.
"Con voi chui lọt lỗ kim"
Không chỉ đem đến cảm hứng cho các doanh nghiệp trong nước, dự án BT cũng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào cuộc. Có thể kể tới trường hợp của Gamuda City.
Gamuda City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Tập đoàn Gamuda Berhad, Malaysia đầu tư, bao gồm 4 hạng mục chính: Công viên Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes.
Trong đó, Công viên Yên Sở là dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ba hạng mục còn lại là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Khu đô thị Gamuda Gardens và Gamuda Lakes được xây dựng dưới hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD, Gamuda City thời kỳ đó được xem là một trong những dự án đình đám nhất Hà Nội. Dự án được UBND TP. Hà Nội cấp giấy phép triển khai Công viên Yên Sở theo phương thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) vào tháng 12/2007, do Gamuda Land Việt Nam, thuộc tập đoàn Gamuda Berhad làm chủ đầu tư.
Theo đó, Công ty Gamuda Land Việt Nam sẽ xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở. Đổi lại, khi xây dựng 2 hạng mục trên, Gamuda Land sẽ được triển khai xây dựng và kinh doanh Khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên với quy mô gần 500ha.
Liên quan đến quá trình thực hiện dự án, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt gian dối, sai phạm trong quá trình Gamuda thực hiện dự án BT ở Yên Sở.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tại các dự án được thực hiện theo hình thức BT, các sai phạm chủ yếu tập trung ở việc: Giao dự án, chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng dự án không đúng quy định; ký hợp đồng trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hợp đồng BT chưa quy định cụ thể việc thanh toán khi nhà đầu tư nhận được tiền hoàn trả, cơ cấu vốn đầu tư trong hợp đồng không đảm bảo quy định; xác định giá trị hợp đồng còn sai sót; có dự án không lập phương án tài chính; công tác lập dự án, đền bù GPMB, thiết kế - dự toán, nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành còn nhiều sai sót; góp vốn chủ sở hữu không đạt yêu cầu…
Đáng chú ý, trong báo cáo trên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, nhà đầu tư đã tính chi phí lãi vay không phù hợp với quy định 24,4 triệu USD (tương đương 534,6 tỷ đồng).
Cũng tại dự án này, việc nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành còn nhiều sai sót. Chi phí đầu tư thực tế so với nghiệm thu giảm 147,7 triệu USD tương đương 3.235 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo về việc kiểm toán việc xây dựng Nhà máy nước thải Yên Sở, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Tập đoàn Gamuda Berhad giảm giá trị quyết toán dự án thành hơn 61,9 triệu USD, trong đó yêu cầu nộp trả UBND TP. Hà Nội hơn 22,1 triệu USD, tương Tương 484,2 tỷ đồng quy đổi theo tỷ giá ngày 31/12/2015.
Đồng thời kiến nghị giảm số tiền được UBND TP. Hà Nội thanh toán so với giá trị quyết toán nhà đầu tư lập 39,8 triệu USD, tương đương hơn 872 tỷ đồng.
Đối với UBND TP. Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND thành phố yêu cầu Gamuda Berhad nộp trả ngân sách nhà nước số tiền chênh lệch giữa giá trị quyết toán hợp đồng BT với số tiền sử dụng đất phải nộp lên tới hơn 22,1 triệu USD, tương đương 484,2 tỷ đồng như đã nói ở trên.
"Hoặc thu hồi diện tích đất có giá trị tiền sử dụng đất tương ứng, hoặc cả 2 hình thức. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan có trách nhiệm đôn đốc thu nộp số tiền trên tránh thất thoát ngân sách, tài sản công”, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.
Tại báo cáo trên, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận theo quy định các nội dung kiến nghị xử lý tài chính khác số tiền hơn 86,8 triệu USD để quyết toán và thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách, tài sản công.
Đồng thời, cơ quan kiểm toán yêu cầu nhà đầu tư nộp trả ngân sách đối với giá trị các trường hợp UBND TP. Hà Nội không chấp nhận quyết toán cho dự án, trong đó lưu ý, giá trị 6,77 triệu USD của 5 hồ Yên Sở không có trong quyết định đầu tư, thi công trước khi có phê duyệt dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị chỉ đạo Cục thuế Hà Nội thực hiện thanh tra về việc kê khai nộp thuế của Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam và đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở do việc kê khai thuế chưa đảm bảo quy định.
Còn nữa!