Theo Bộ trưởng Môi trường New Zealand David Parker, lệnh cấm sẽ được triển khai theo ba giai đoạn và bắt đầu từ cuối năm nay. Việc triển khai lệnh cấm theo từng giai đoạn được cho là nhằm tạo ra sự cân bằng giữa lời kêu gọi hành động của công chúng và nhu cầu của các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp thay thế.
“Loại bỏ những đồ nhựa không cần thiết sẽ giúp giảm thiểu chất thải và các bãi chôn lấp, cải thiện hệ thống tái chế và khuyến khích các lựa chọn thay thế có thể tái sử dụng hoặc có trách nhiệm với môi trường như hộp nhựa hoặc giấy có thể tái chế”, ông Daivd Parker nói.
Theo ông Parker, lệnh cấm túi nhựa vào năm 2019 đã được công chúng và các doanh nghiệp ủng hộ và người dân sẵn sàng làm nhiều hơn nữa. Chính sách mới của chính phủ ước tính sẽ giúp loại bỏ khoảng hai tỷ vật dụng sử dụng một lần khỏi các bãi chôn lấp hoặc môi trường mỗi năm.
Số liệu cho thấy New Zealand là một trong những nước thải ra nhiều rác thải nhựa nhất trên thế giới, trung bình mỗi ngày mỗi người vứt đi khoảng 159 gam rác thải nhựa.
Cũng theo ông Parker, lệnh cấm sẽ không áp dụng đối với cốc sử dụng một lần, khăn ướt hoặc hộp gấp bằng polystyrene được sử dụng để vận chuyển hàng lạnh và bảo vệ hàng hóa có kích cỡ lớn. Tuy nhiên, Bộ Môi trường đang làm việc với các ngành liên quan để xây dựng kế hoạch loại bỏ các mặt hàng trên và dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào năm 2022. Vào tháng 11 tới, Bộ trên cũng sẽ thành lập quỹ đổi mới trị giá 50 triệu NZD (gần 40 triệu USD) để hỗ trợ các ý tưởng và giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa.
|
New Zealand sẽ triển khai lệnh cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ảnh minh họa |
Liên quan tới việc các quốc gia trên thế giới nỗ lực loại bỏ nhựa dùng một lần, theo Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg, chỉ thị 2019/904 của EU về nhựa sử dụng một lần đã được EU thông qua vào tháng 6/2019 với mục đích ngăn ngừa và giảm tác động của một số sản phẩm nhựa đến môi trường. Động thái này của EU cũng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn với các mô hình kinh doanh, sản phẩm, nguyên liệu sáng tạo và bền vững.
Chỉ thị sẽ được chuyển thành luật quốc gia và áp dụng từ ngày 3/7/2021 trên toàn EU. Theo quy định này của EU về nhựa sử dụng một lần, kể từ 3/7/2021, các nước thành viên phải đảm bảo rằng một số sản phẩm nhựa sử dụng một lần không còn được đưa vào thị trường EU.
Đó là những sản phẩm được lựa chọn thay thế các sản phẩm không chứa nhựa có giá cả phải chăng đang tồn tại trên thị trường: que tăm bông, dao kéo, đĩa, ống hút, máy khuấy, que bóng bay, cũng như một số sản phẩm làm bằng polystyrene giãn nở (cốc và hộp đựng thực phẩm và đồ uống) và tất cả sản phẩm làm bằng nhựa phân hủy oxo.
Đối với các sản phẩm nhựa khác, chẳng hạn như dụng cụ đánh cá, túi ni lông sử dụng một lần, chai lọ, hộp đựng đồ uống và thực phẩm để tiêu thụ ngay, gói và giấy bọc, đầu lọc thuốc lá, vật dụng vệ sinh và khăn ướt, EU sẽ áp dụng các biện pháp khác ví dụ việc hạn chế sử dụng, giảm tiêu thụ và ngăn ngừa xả rác thông qua các yêu cầu về nhãn mác, các chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng (“nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền”), các chiến dịch nâng cao nhận thức và các yêu cầu về thiết kế sản phẩm.
Theo Chất lượng Việt Nam Online