Đứng sau Hà Nội chất lượng không khí xấu là Jakarta (Indonesia) và TP HCM.
Dữ liệu trên đã khiến nhiều người dân lo lắng. Bởi thực tế diễn biến môi trường của Hà Nội qua quan sát bằng mắt thường đã thấy có những điều đáng băn khoăn. Chưa kể, sự việc cháy nhà kho của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn khiến nhiều người nghi ngại. Đặc biệt từ đầu tháng 9 đến nay chỉ số AQI của Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc luôn dao động quanh mức từ Trung bình đến Kém (từ 51 đến dưới 200).
Trở lại với số liệu AirVisual công bố vào sáng 26/9 cho thấy, 13/14 điểm quan trắc cho chỉ số AQI trên 150. Điểm Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) là 174, điểm Thành Công (Đống Đa) là 176, điểm Yên Hòa (Cầu Giấy) là 163. Đặc biệt, điểm đo tại khu vực Hồ Tây cho chỉ số lên tới 224. Đến 15h cùng ngày, chỉ số AQI của toàn thành phố Hà Nội về mức 133 và xếp thứ 9 trên 10.000 thành phố được quan trắc. Chỉ còn 6/14 điểm có chỉ số trên 150. Trong khi đó, điểm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ đạt đỉnh 185 vào lúc 6h cùng ngày và quay về ngưỡng 179 ở thời điểm hiện tại.
Tương tự, hệ thống quan trắc không khí Pamair cho kết quả 40 điểm quan trắc trên TP Hà Nội lúc 7h là từ 150-190. Đến thời điểm 15h, các chỉ số đều quay trở lại ngưỡng dưới 100.
Còn kết quả quan trắc tự động do Hà Nội lắp đặt lúc 15h chỉ ra toàn thành phố vẫn có AQI là 157 (mức Kém), 10/11 điểm có chỉ số AQI trên 100. Điểm tại Minh Khai (Bắc Từ Liêm) chỉ số là 190, 3 điểm Hàng Đậu, trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội và đường Phạm Văn Đồng có chung chỉ số là 157.
|
Chất lượng không khí nhiều nơi tại Hà Nội ở mức kém. |
Ông Tạ Ngọc Sơn - Phó Trưởng phòng tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ nên không thể đại diện cho toàn địa bàn TP Hà Nội mà chỉ mang tính chất một điểm.
“Trạm quan trắc của Mỹ chỉ quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM2.5 và nằm trên trục giao thông chính ngã 4 Láng Hạ - Đê La Thành, xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn nên chỉ số sẽ cao hơn những nơi khác”- ông Sơn phân tích.
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi cùng mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí trên.
“Ngoài ra do đang là thời điểm giao mùa lặng gió, không có mưa, toàn thành phố luôn bị bao phủ bởi lớp sương mù làm giảm khả năng phân tán, phát tán bụi”- đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội giải thích thêm.
Trao đổi với báo chí về hiện tượng này, ông Lê Thanh Hải- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự báo khí tượng thủy văn lý giải, hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí thấp. Ban đêm bức xạ nhiệt từ mặt đất phát tán vào khí quyển tạo ra lớp sương mù tầng thấp. Trong ngày không khí luôn ô nhiễm, chỉ trừ một chút vào buổi chiều mặt trời bị hun đốt nóng, tạo nên lớp không khí nóng bốc lên cao rồi tỏa ra xung quanh.
Một số chuyên gia môi trường cho biết, đây là hiện tượng mang tính chu kỳ vào thời gian chuyển giao giữa các mùa, đặc biệt là mùa hè tới mùa đông. Hiện tượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ được cải thiện khi có gió mùa về hoặc trời đổ mưa.
Theo Hà Phong/Đại Đoàn kết