Cảnh báo xem vô tuyến hơn 8 tiếng mỗi ngày có nguy cơ cao bị đột quỵ

VIETQ 15:44 21/08/2021

Các nghiên cứu cho thấy, người trưởng thành xem vô tuyến hơn 8 tiếng mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 7 lần so với người bình thường

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Calgary đã tiến hành giám sát sức khoẻ và thói quen sống của 143.000 người trưởng thành ở Canada trong trung bình 9,4 năm. Kết quả cho thấy, có đến 2.965 vụ đột quỵ xảy ra trong thời gian nghiên cứu. Trong đó, tỷ lệ người bị đột quỵ cao hơn ở nhóm người thích các trò tiêu khiển ít vận động và lười tập thể dục.

Theo Hội Tim mạch Mỹ, người Mỹ trưởng thành dành trung bình khoảng 10,5 tiếng hàng ngày để xem vô tuyến, dùng điện thoại hay máy tính. Những người ở độ tuổi từ 50 đến 65 thậm chí còn tiếp xúc với màn hình điện tử nhiều hơn những người ở độ tuổi khác.

Trong các cuộc nghiên cứu trước đây của Hội Tim mạch Mỹ cho thấy, người lớn càng dành ít thời gian cho các hoạt động ngoài trời thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch, trong đó có đột quỵ, càng cao. Hơn nữa, 9/10 ca đột quỵ là do các thói quen mà có thể khắc phục được, ví dụ như ngồi xem vô tuyến quá lâu.

Theo Daily Mail, nhà thần kinh học Raed Joundi tại Đại học Calgary cho hay, khoảng thời gian “bất động” mà người dân ngồi hoặc nằm mà không phải để ngủ đang tăng lên đáng kể tại Mỹ và Canada. Theo ông, việc xác định thói quen ngồi lâu trước màn hình có thể dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi hay không là điều rất quan trọng. Nguyên nhân là bởi đột quỵ có thể gây tử vong sớm cũng như làm suy giảm đáng kể chức năng và chất lượng cuộc sống.

Cụ thể, Tiến sĩ Joundi cùng đồng nghiệp thực hiện theo dõi sức khoẻ và lối sống của 143.000 người trong trung bình 9,4 năm. Những người tham gia cuộc khảo sát này đều không có tiền sử bị ung thư, bệnh tim mạch hay đột quỵ. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hồ sơ bệnh viện để xác định người nào bị đột quỵ trong thời gian theo dõi.

Dựa trên lượng thời gian những người này dành cho các trò tiêu khiển bất động như xem vô tuyến, dùng điện thoại, máy tính hay đọc sách, họ sẽ phân chia đối tượng thành 4 nhóm. Tương tự, người tham gia cũng được chia thành 4 nhóm lớn tương đương nhau, dựa theo mức độ hoạt động thể chất hàng ngày của họ. Mức vận động thấp nhất tương đương với đi bộ 10 phút. Tiến sĩ Joundi lưu ý rằng, đi bộ 10 phút hoặc ít hơn mỗi ngày tức là chưa bằng 1/2 mức độ vận động mà Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo.

Nghiên cứu phát hiện rằng, trong toàn bộ chương trình nghiên cứu, 2.965 ca đột quỵ xảy ra với 90% là dạng đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Hiện tượng này xảy ra khi một mạch máu cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn.

Dựa trên đánh giá tổng quan, các nhóm người tham gia đều dành tối thiểu 4 tiếng mỗi ngày cho việc xem vô tuyến hoặc các hoạt động mà không phải di chuyển nhiều. Đáng chú ý, người trưởng thành từ 60 tuổi trở xuống có xu hướng dành ít thời gian hơn. Nhóm người từ 60 – 79 tuổi dành 4,4 tiếng mỗi ngày. Đối với người từ 80 trở lên, họ dành ra 4,3 tiếng cho các hoạt động "bất động", tuy nhiên, điều này được đánh giá dựa trên tình trạng sức khoẻ của mỗi cá nhân.

Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận rằng, những người từ 60 tuổi trở xuống có mức độ hoạt động thể chất thấp và dành nhiều hơn 8 giờ mỗi ngày cho các hoạt động giải trí “bất động”. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho những người ở độ tuổi này có nguy cơ đột quỵ cao hơn 4,2 lần so với những người chỉ dành 4 giờ cho những trò tiêu khiển như vậy.

Đối với nhóm ít vận động nhất, là những người ít tập thể dục lại xem vô tuyến hơn 8 tiếng mỗi ngày, có nguy cơ đột quỵ cao gấp 7 lần người chăm tập luyện và chỉ xem vô tuyến khoảng 4 tiếng mỗi ngày.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trung bình cứ 6 người thì một người có nguy cơ đột quỵ. Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, chủ yếu là người từ 55 tuổi trở lên. Mặc dù vậy, những năm gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10-15%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) trong hơn một tháng (từ ngày 9/11 đến 15/12/2020) đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca đột quỵ, trong đó hơn 100 ca là bệnh nhân trẻ có độ tuổi trung bình từ 18 đến 44 tuổi. Thậm chí, tại đây đã tiếp nhận trường hợp 14 tuổi cũng bị đột quỵ. Khi nhập viện, bệnh nhân này có biểu hiện đau đầu nhưng rất may chưa có rối loạn vận động. Chụp cắt lớp, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị dị dạng mạch não…

Tương tự, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận điều trị trường hợp đột quỵ não nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi và nhiều trường hợp khác trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Từ đầu năm 2020 đến nay, tại đây đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%.

Để phòng ngừa đột quỵ, đảm bảo sức khỏe mọi người nên giữ cân nặng hợp lý; tập thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút/ ngày); có chế độ ăn uống lành mạnh như giảm thiểu chất béo, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, tăng cường ăn rau và trái cây; hạn chế bia rượu, các chất kích thích; khám sức khỏe định kỳ.

Link gốc : https://vietq.vn/canh-bao-xem-vo-tuyen-hon-8-tieng-moi-ngay-co-nguy-co-cao-bi-dot-quy-d190272.html

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo xem vô tuyến hơn 8 tiếng mỗi ngày có nguy cơ cao bị đột quỵ tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống
Tin tức mới nhất