|
Hình ảnh mưa đá trắng đường tại Lai Châu. |
Vừa qua, một số tỉnh miền núi Bắc Bộ xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh do ảnh hưởng của không khí lạnh. Đặc biệt 2 tỉnh là Yên Bái và Lai Châu còn xảy ra các trận mưa đá dày đặc, gây thiệt hại nặng nề cho nhà cửa, hoa màu của người dân.
Lý giải về hiện tượng này, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết , hiện tượng mưa đá thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc ngược lại. Các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phân tử ở 2 khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây mưa rào và dông, kèm theo mưa đá.
Những ngày cuối tháng 2, miền Bắc đã đón một đợt nắng ấm lên đến 27-29 độ C, một số thời điểm oi nóng như mùa hè. Vì vậy, khi có tác động của không khí lạnh mang theo hơi ẩm tràn xuống đột ngột, khu vực xảy ra hiện tượng mưa dông, sấm chớp và một số nơi xảy ra mưa đá.
|
Những viên đá có đường kính lên đến 5cm. |
Trả lời Zing, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo Thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết, đợt không khí lạnh này khá yếu và chỉ gây rét cho các tỉnh miền Bắc trong 1-2 ngày. Nền nhiệt thấp nhất tại đồng bằng ở ngưỡng 14-17 độ C, trạng thái mưa rét kéo dài đến hết ngày 4/3.
Đến ngày 5/3, mưa giảm và nhiệt độ bắt đầu có xu hướng tăng nhanh. Những ngày sau đó, khu vực tiếp diễn kiểu thời tiết nắng ấm và đến ngày 9/3, nền nhiệt tại đồng bằng có thể tăng lên ngưỡng 29-32 độ C. Một số nơi ở Tây Bắc Bộ khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ khi nhiệt độ lên đến 33-35 độ C.
Trả lời báo TN&MT, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cảnh báo, từ nay đến hết tháng 3/2020 còn khoảng 2-3 đợt không khí lạnh và sang tháng 4/2020 có khoảng 1-2 đợt không khí lạnh nữa nhưng cường độ ngắn và không có khả năng gây rét đậm.
“Chúng tôi lưu ý là các đợt không khí lạnh xuống nước ta trong giai đoạn giao mùa thường hay gây ra các hiện tượng cực đoan như lốc xoáy, mưa đá và gió giật mạnh”, ông Lâm cảnh báo.
|
Mưa đá gây thiệt hại lớn ở Yên Bái. |
Trước đó, vào đêm 2/3 và rạng sáng 3/3, mưa đá liên tục xảy ra ở Lai Châu (huyện Tân Uyên, Phong Thổ) và Yên Bái (TP.Yên Bái, huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn).
Trả lời báo Thanh niên, chiều 3/3, ông Vũ Xuân Tính, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, cho biết thiệt hại do mưa đá ước tỉnh khoảng 6 tỉ đồng. Đến chiều 3/3, hai huyện này ghi nhận hơn 500 nhà dân bị hư hỏng do mưa đá làm vỡ mái; riêng H.Tân Uyên có 50 ha chè, 30 ha lúa, 2 ha chanh bị hư hỏng.
Tại Yên Bái, mưa đá làm hư hỏng gần 3.500 ngôi nhà, 146 ha lúa, hoa màu, 16 trường học và 8 công trình văn hóa. Riêng TP.Yên Bái có 28 cột điện đổ gây mất điện cục bộ, đến ngày 3/3 chưa khắc phục xong. Mưa giông cũng làm 6 người bị thương do cây, bờ tường đổ; 279 cây xanh bị đổ, hư hỏng 8 ô tô. Thống kê đến chiều 3/3, tỉnh Yên Bái thiệt hại khoảng 18 tỉ đồng.