Webinar nằm trong chuỗi sự kiện Trò chuyện cùng Chuyên gia (Industry Lecture) FUNiX Japan tổ chức cho sinh viên khối công nghệ của Nhật Bản và mở rộng cho các khán giả quan tâm đến các công nghệ mới như AI, Machine Learning, IoT, Data Science, Blockchain…
Cuộc đại cách mạng trăm năm có một
Diễn giả Nguyễn Đức Kính hiện là Phó Tổng Giám đốc FPT Software phụ trách Nhóm Giải pháp Sản xuất & Ô tô Toàn cầu. Trong chương trình lần này, anh đã mang đến những chia sẻ thú vị vềnhững thách thức mà các doanh nghiệp sản xuất ô tô đang gặp phải, xu hướng “kết nối” trong ngành Automotive, cũng như những kỹ năng mà các bạn trẻ cần có để phát triển trong cuộc cách mạng này.
Khẳng định cả thế giới đang bước đi trong một “cuộc đại cách mạng trăm năm có một”, anh Nguyễn Đức Kinh chia sẻ nhiều vấn đề thách thức về công nghệ mà các doanh nghiệp – trong đó có khách hàng của FPT Japan gặp phải.
Theo anh Kính, các công ty chế tạo ô tô truyền thống đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và thách thức. Thứ nhất là xu hướng Di chuyển thông minh (Smart Mobility) – giúp chiếc xe ngày càng trở nên thông minh, có thể tự lái, giao tiếp được với xe khác. Điều này là nhờ tăng cường khả năng kết nối: xe kết nối với xe, với các nền tảng xã hội, với đám mây (cloud), tất cả đều kết nối với nhau.
|
Phó Tổng Giám đốc FPT Software Nguyễn Đức Kinh khẳng định cả thế giới đang bước đi trong một “cuộc đại cách mạng trăm năm có một”. |
Thứ hai là vấn đề số hóa (Digitalization). Trước đây, các công ty chế tạo ô tô tập trung vào động cơ, các bộ truyền dẫn, bản vẽ thiết kế thì làm trên giấy v.v, nhưng thế giới analog đó đang chuyển dần sang số hóa. Mảng thiết kế cơ khí, mô phỏng (simulation), phân tích cũng đang chuyển sang số hóa, tự động hóa.
Và thêm đó là thách thức từ những “đối thủ cạnh tranh khác” như các công ty công nghệ như Google, Tesla…, vốn chưa từng sản xuất ô tô nhưng gần đây bỗng bắt tay vào nghiên cứu phát triển ô tô và sản xuất và gia nhập thị trường này. Trước thực tế này, các công ty sản xuất ô tô truyền thống vừa đối mặt với thách thức, vừa đứng trước cơ hội thực hiện cuộc đại cách mạng trăm năm có một” – anh Kính khẳng định.
Theo anh, để làm được điều này, tất cả đều phải nhờ vào kỹ thuật phần mềm. Công nghệ thông tin đang trở thành điều không thể thiếu để các doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại.
Ô tô sẽ trở thành một “thành phố kết nối”
Phó Tổng Giám đốc FPT Software lấy dẫn chứng trường hợp của Toyota, công ty đã đặt ra khẩu hiệu là “Phần mềm đứng trước” (Software first), có nghĩa là software là phần quyết định, phần quan trọng nhất. Ô tô sẽ không đơn thuần chỉ là một chiếc xe biết chạy, biết rẽ nữa, mà cũng như đô thị, sẽ trở thành một “thành phố kết nối” (connected city). Kế hoạch của công ty là cho tới 2022 sẽ thay đổi tổ chức theo cách là phân chia Mảng phần mềm và phần cứng, giúp rút ngắn chu kỳ phát triển phần mềm, thường xuyên cập nhật các phiên bản tương tự smartphone như: thêm chức năng mới, trải nghiệm mới…. cho người dùng.
Đi sâu vào vấn đề kỹ thuật, anh Kính cho biết một chiếc sẽ có tới 80- 100 chiếc máy tính mini hoạt động, điều khiển phần thân xe, cần gạt, hệ thống đèn, cửa xe, hệ thống điều hướng xe, giải trí, đảm bảo an toàn… Một chiếc xe có tới 100 triệu dòng code, nhiều gấp 7 lần một chiếc máy bay Dreamlifter tân tiến nhất của Boeing. Thêm vào đó, phần mềm không chỉ tập trung trong 1 chiếc xe, mà ngoài ra còn các phần mềm cho phía nền tảng xã hội, dịch vụ cloud để kết nối với xe nữa.
|
Ô tô sẽ không đơn thuần chỉ là một chiếc xe biết chạy, biết rẽ nữa, mà cũng như đô thị, sẽ trở thành một “thành phố kết nối”. |
Kết luận, ô tô cũng là một thiết bị Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT). Các dữ liệu từ ô tô như cấu trúc của ô tô, các thông tin đánh giá… được upload lên cloud, được phân tích, sử dụng AI để khuyến nghị, cung cấp ngược trở lại cho người dùng các dịch vụ tiện lợi.
Để không chỉ sống sót mà còn đón nhận các cơ hội trong cuộc cách mạng “trăm năm có một” này, anh Nguyễn Đức Kinh đưa ra gợi ý về những công nghệ, kỹ năng mà các bạn trẻ cần trang bị.
“Để phát triển nghề nghiệp trong tương lai, để có thể sống sót bằng IoT thì ngôn ngữ lập trình như C, C++, phần mềm nhúng… là những thứ không thể thiếu. Các bạn bắt đầu học từ bây giờ cũng vẫn còn kịp. Từ nay về sau, Nhật Bản vẫn cần rất nhiều kỹ sư phần mềm, nguồn lực không thể thiếu để có thể thay đổi nước Nhật, làm cho nước Nhật phát triển hơn” – anh đưa ra lời khuyên.
Cùng với đó, diễn giả đưa ra các kỹ năng cần thiết cho kỹ sư điện toán đám và việc phát triển xe tự hành như: UI trong ô tô, kỹ năng lập trình C, C++, Python. Anh cũng khuyên các bạn trẻ muốn theo ngành cần sử dụng thành thạo các loại AI framework, các kỹ năng cần cho việc phát triển xe, phát triển IoT và phân tích dữ liệu.
“Ở thời đại Software First, nếu không có software, doanh nghiệp không thể tiến hóa được. Vì vậy mà ngay từ bây giờ, chúng ta hãy cùng học thật nhiều về phần mềm, cùng sống sót và phát triển bằng phần mềm trong thời đại này” – diễn giả Nguyễn Đức Kính một lần nữa nhấn mạnh.
Webinar nằm trong chuỗi sự kiện Trò chuyện cùng Chuyên gia (Industry Lecture) FUNiX Japan tổ chức cho sinh viên khối công nghệ của Nhật Bản và mở rộng cho các khán giả quan tâm đến các công nghệ mới như AI, Machine Learning, IoT, Data Science, Blockchain… Chương trình được tổ chức theo hình thức diễn thuyết và trao đổi giữa một diễn giả (là chuyên gia trong ngành) và người tham dự. Khác với các chương trình diễn thuyết thông thường, Industry Lecture tập trung cung cấp kiến thức và thông tin về cách mà các công nghệ mới đang được ứng dụng trong thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cầu nối để tạo cơ hội cho sinh viên Nhật Bản nói chung và học viên FUNiX nói riêng kết nối với các chuyên gia công nghệ đầu ngành. Chuỗi sự kiện diễn ra mỗi tháng 1 lần, kéo dài từ tháng 5 – tháng 7/2021, với sự đồng hành của Liên hiệp hội các trường đại học và doanh nghiệp Nhật Bản (GTI Consortium) và FPT Japan. |
Nguyễn Luận/SHTT