Sản lượng điện sử dụng tăng cao
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hầu hết các tháng đầu năm 2020 sản lượng điện tiêu thụ tăng mạnh so với năm 2019, đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm vừa qua. Chỉ tính riêng lượng điện sinh hoạt tháng 6 trên toàn quốc đã tăng 18% so với tháng 5 và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng điện cấp cho công nghiệp và kinh doanh dịch vụ suy giảm so với cùng kỳ, song sản lượng điện sinh hoạt lại gia tăng.
|
Sản lượng điện sử dụng tăng cao mùa nắng nóng. |
Cụ thể, sản lượng điện cấp cho quản lý tiêu dùng trong tháng 6/2020 đạt 6.290 triệu kWh, tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,1% so với tháng trước. Khu vực miền Bắc có sản lượng tiêu thụ điện tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng 15,49% so với năm trước. Tiếp đến là khu vực miền Trung với mức tăng 11,44% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực miền Nam có sản lượng điện tiêu dùng giảm nhẹ. Theo lý giải của EVN, khu vực miền Nam bước vào mùa mưa nên điện năng tiêu thụ đã giảm.
Cũng theo báo cáo của EVN, năm 2016, mức độ sử dụng điện bình quân ở các hộ gia đình là 156 kWh/tháng. Tuy nhiên, năm nay, mức độ sử dụng điện bình quân ở các hộ gia đình là 189 kWh/tháng. Điều đó cho thấy, đời sống được cải thiện, người dân có xu hướng dùng nhiều điện hơn dẫn đến lượng điện sử dụng tăng theo. Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh (EVN) - đánh giá, theo quy luật hàng năm, tới tháng 7 mới là thời gian lượng điện tiêu thụ lớn nhất. Tuy nhiên, ngay từ tháng 6/2020, sản lượng điện tiêu thụ đã ở mức rất cao, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập người dân tăng lên, nên sử dụng nhiều thiết bị điện hơn.
Hướng tới xu hướng tiết kiệm điện
Trước tình trạng tiền điện “tăng vọt” như thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, biểu giá điện tính theo bậc thang hiện hành có còn phù hợp với thực tiễn? Trao đổi vấn đề này, ông Dũng cho biết, biểu giá bậc thang cần được cải tiến để tránh tình trạng tiền điện nhiều hộ tăng vọt vào những mùa nắng nóng. Theo ông Dũng, khi đời sống người dân tăng lên, việc cơ quan quản lý nghiên cứu, điều chỉnh lại biểu giá để tránh tăng “sốc” tiền điện khi chuyển mùa là cần thiết. Nếu hướng tới tiết kiệm điện, giúp đỡ người nghèo, vẫn nên tiếp tục áp dụng giá điện bậc thang.
Đồng quan điểm, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - cũng nhất trí với việc cần sửa biểu giá điện sinh hoạt bậc thang khi xu hướng tiêu dùng của người dân tăng lên. Theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mức tiêu dùng điện bình quân của các hộ hiện quanh ngưỡng 200 kWh/tháng. Vì thế, nhà chức trách nên tính toán các mức giá và chia bậc thang giá điện trên cơ sở mức trung bình 200 kWh, để dễ dàng thực hiện và không phải điều chỉnh nhiều trong thời gian dài.
Hiện, nhiều phương án điều chỉnh biểu giá điện bậc thang được đưa ra, trong đó, có phương án 5 bậc đang được Bộ Công Thương đề xuất, đưa ra lấy ý kiến (thay vì áp dụng 6 bậc như hiện nay). Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu thêm phương án một giá điện, bên cạnh biểu giá điện bậc thang để người dân có thêm sự lựa chọn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh (EVN): Biểu giá điện bậc thang có mục tiêu rõ ràng, khuyến khích việc tiết kiệm điện. Việc áp dụng biểu giá điện bậc thang, người dùng ít điện sẽ trả ít tiền hơn. Ngay tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật..., vẫn duy trì chính sách giá bậc thang để khuyến khích người dân dùng tiết kiệm năng lượng. |
Theo Đỗ Nga/Báo Công Thương Điện Tử