Vì sao dây thần kinh khách hàng bị liệt?
Như chúng tôi đã thông tin trước đó, ngày 10/2/2020, trong đơn tố cáo gửi đến các cơ quan báo chí, bà H.L. (Việt kiều Đức) cho biết, ngày 24/4/2016, Bệnh viện Thẩm mỹ KangNam (BVTM KangNam, 84A Bà Huyện Thanh Quan (phường 9, quận 3, TP.HCM) đã thực hiện cho bà liên tiếp 3 dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) bao gồm: căng da mặt, căng da trán và cắt mí mắt.
|
Trụ sở của BVTM Kangnam ở địa chỉ 84A Bà Huyện Thanh Quan (phường 9, quận 3, TP.HCM) |
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, thay vì bắt đầu cuộc sống với diện mạo mới xinh đẹp, bà H.L. đối diện chuỗi ngày chạy chữa, điều trị khắp nơi vì bị liệt dây thần kinh số VII, cùng những di chứng do thẩm mỹ để lại.
Đến nay, sau hơn 4 năm (4/2016 - 7/2020), sức khỏe của bà H.L. vẫn không thể hồi phục, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Cụ thể, bà H.L cho biết, mình hiện tại dây thần kinh số VII bị liệt, tổn thương thêm dây thần kinh số V, bị lõm má trái, biến dạng khuôn mặt, mất 50% sức khoẻ do thương tật…
“Tha phương cầu thực là việc chưa bao giờ dễ dàng, đã vậy chi phí điều trị ở bên Đức rất cao. Trong khi đó, những rủi ro do thẩm mỹ gây ra bảo hiểm sẽ không chi trả, tất cả đều phải tự lo, khó khăn chồng chất khó khăn”, bà H.L. nói.
Đáp lại những phản ánh của bà H.L., ngày 26/5, BVTM Kangnam đã ra thông cáo báo chí quá đó xác nhận bà H.L. đúng là khách hàng của Kangnam từ năm 2016. Đồng thời Kangnam cũng thừa nhận, sau phẫu thuật khi phát hiện có dấu hiệu không ổn định bà H.L. đã đến tái khám tại Kangnam. Qua khám sơ bộ, BVTM Kangnam nhận định có thể do tai biến bệnh lý.
“…BVTM Kangnam đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ và y khoa khám, hội chuẩn để xác định dấu hiệu không ổn định của khách hàng. Căn cứ kết quả hội chuẩn, bệnh viện đã đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tính trạng bệnh lý của bà H.L…”, thông báo cáo chí của Kangnam nêu rõ.
Tuy nhiên, kết quả hội chuẩn thế nào, phác đồ điều trị ra sao thì Kangnam hoàn toàn không nhắc đến. Và quan trọng hơn cả chính là việc bà H.L. bị tổn thương dây thần số VII tại thời điểm nào, nguyên nhân từ đâu dẫn đến việc bà này bị tổn thương dây thần số VII, Kangnam cũng hoàn toàn bỏ ngỏ…
Để làm sáng tỏ những khúc mắc nói trên, bà H.L. kể lại, trước khi tiến hành PTTM, sáng ngày 23/4/2016 theo đúng lịch hẹn bà đến BVTM Kangnam từ rất sớm. Tại đây, bà được nhân viên của Kangnam đưa đến một bệnh viện chuyên khoa khác để lấy máu xét nghiệm, chụp X-Quang và khám tổng quát trước khi phẫu thuật.
“Tất cả các kết quả của tôi đều tốt, chính các bác sĩ của Kangnam xác nhận tôi đủ điều kiện để thực hiện PTTM. Nói là làm, ngày 24/4/2016, tôi được bác sĩ Giáp phẫu thuật căng da mặt và căng da trán. Riêng phẫu thuật cắt mí trên và dưới là bác sĩ Lực làm cho tôi”, bà H.L. khẳng định.
|
Khuôn mặt biến dạng sau phẫu thuật của bà H.L. |
Những khẳng định của bà H.L. cũng phù hợp với cách thông tin của BVTM Kangnam. Cụ thể, Kangnam cho biết, thăm khám lâm sàng không phát hiện bệnh lý, các xét nghiệm cận lâm sàng tại thời điểm thực hiện phẫu thuật giới hạn bình thường đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật.
Như vậy, tại sao một người có sức khoẻ đang trong giới hạn bình thường, sau PTTM tại Kangnam lại bị liệt dây thần kinh số VII, sẽ có 2 vấn đề cần phải xem xét:
Thứ nhất, nếu các kết quả thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng trước phẫu thuật là chính xác, thì bà H.L. bị liệt dây thần kinh số VII là do ca phẫu thuật ở Kangnam gây ra?
Thứ hai, đặt trường hợp ngược lại, nếu các kết quả thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng trước phẫu thuật còn thiếu xót, thì việc bà H.L. bị liệt dây thần kinh số VII không hoàn toàn do ca phẫu thuật ở Kangnam gây ra. Tuy nhiên, trách nhiệm của BVTM Kangnam vẫn không có gì thay đổi?
Rõ ràng, dù bà H.L. bị liệt dây thần kinh số VII vì lý do gì? Bị liệt trước hay sau khi PTTM tại BVTM Kangnam thì vai trò, trách nhiệm của Kangnam là không thể chối cãi. Điều này cũng giải thích vì sao từ năm 2016, 2017, BVTM Kangnam đã chủ động “hỗ trợ” bà H.L. 3 lần, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để điều trị bệnh (trong đó bao gồm cả 129 triệu đồng trả lại tiền PTTM mà bà H.L. đóng vào trước đó).
Liệu rằng, trách nhiệm của BVTM Kangnam đến đây đã hết?...
Mổ 3 lần trong hơn 1 tháng
“Tôi có thể bỏ tiền để đến Kangnam mua sắc đẹp, nhưng tôi biết, BVTM Kangnam không thể dùng tiền để mua lại được sức khoẻ cho tôi”, bà H.L. thốt lên sau 4 năm phải sống chung với di chứng…
Theo đó, bà H.L. cho biết, tại thời điểm phát hiện bị tổn thương dây thần kinh số VII, thay vì đưa bà đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh điều trị, BVTM Kangnam đã tự mổ thêm cho bà 2 lần nữa. Như vậy, tính cả lần PTTM căng da mặt, bà H.L. phải chịu đau để Kangnam mổ 3 lần trong khoảng thời gian vỏn vẹn hơn 1 tháng.
Cụ thể, sau PTTM căng da mặt, mặt của bà H.L. bị sưng và lệch, không kiểm soát được việc nhắm mở của mắt và miệng, gò má bên trái căng như có ai cầm dây thắt chặt lại…Bệnh viện Ngoại Thần kinh Quốc tế (65A Lũy Bán Bích, Phường Tân Thới Hòa, Tân Phú, TP.HCM) khám và kết luận bà H.L. bị tổn thương dây thần kinh số VII.
“Lẽ ra khi đó Kangnam phải cho tôi đến bệnh viện chuyên khoa thần kinh khám và chữa trị, thì bệnh tình của tôi mới được cứu chữa kịp thời. Nhưng Kangnam đã không làm vậy, họ mổ cho tôi thêm 2 lần nữa, lần nào cũng có gây mê. Lúc đó, tôi không suy nghĩ được gì cả, tôi chỉ biết các bác sĩ đang cố giúp mình”, bà H.L. tiếc nuối.
|
Đơn khởi kiện bà H.L. kiện BVTM Kangnam. |
Lần mổ đầu tiên là do bác sĩ tên Huy bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh thực hiện, lần gây mê này chỉ cách 10 ngày sau ca PTTM căng da mặt. Sau phẫu thuật bà H.L. cảm thấy gò má trái dù vẫn căng nhưng đã dễ chịu hơn, song tất cả mọi triệu chứng không cải thiện.
Lúc này, để trấn an bà H.L. bác sĩ Huy khuyên bà nên bay ra Hà Nội, các bác sĩ của Kangnam ngoài đó sẽ có trách nhiệm chữa trị tiếp cho bà.
Tại trụ sở của BVTM Kangnam ở Hà Nội, bác sĩ Văn Anh nhận định má trái của bà H.L. sắp bị hoại tử. Vì vậy, bác sĩ này cam kết sẽ phẫu thuật ngay nhưng yêu cầu bà H.L. hoãn chuyến bay về Đức và phải ở lại Việt Nam ít nhất 3 tháng để chữa trị.
“Vết mổ này chưa kịp lành thì đã có vết mổ mới, quá nhiều đau đớn, tôi không nhớ mình đã phải uống bao nhiêu thuốc kháng sinh. Nhưng cuối cùng, 3 tháng ở lại Việt Nam điều trị vẫn không có kết quả. Mặt bị biến dạng nặng nề hơn, tê cứng toàn bộ mặt và đầu, kim chọc vào cũng không có cảm giác”, bà H.L. nhớ lại.
Quá thất vọng nhưng đã đến lúc bà H.L. phải về Đức, lúc này BVTM Kangnam vẫn hứa hẹn khi bà H.L. quay trở lại Đức sẽ có bác sĩ Kangnam bay sang để điều trị riêng cho bà, song cũng chỉ là “lời nói gió bay”.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng, tôi vẫn nghĩ sức khoẻ sẽ hồi phục sau 3 đến 6 tháng như các bác sĩ của Kangnam tư vấn. Nhưng 3 tháng không ổn, tôi lại đợi 6 tháng, 6 tháng không ổn tôi lại đợi…nhưng 4 năm không ổn, thậm chí ngày càng nặng hơn, thử hỏi, tôi phải đợi thêm bao lần nữa…cuối cùng tôi nhận được chính là việc Kangnam vu vạ tôi tống tiền”, bà H.L. hụt hẫng.
Rõ ràng, ngay từ ban đầu BVTM Kangnam và bà H.L. chỉ thống nhất duy nhất giao dịch một ca PTTM căng da mặt có gây mê. Vậy, bác sĩ Huy và bác sĩ Văn Anh của Kangnam đã mổ gì cho bà H.L. trong 2 ca mổ sau đó? Hai ca mổ phát sinh thêm này có liên quan đến việc chữa trị dây thần kinh số VII bị tổn thương hay không? Chưa kể việc mổ liên tiếp 3 lần chỉ trong hơn một tháng có đảm bảo sức khoẻ cho người bệnh?...rất nhiều nghi vấn cần được làm sáng tỏ.
Chưa kể, ban đầu khi có nhu cầu PTTM, bà H.L. hiển nhiên là khách hàng của BVTM Kangnam. Nhưng có chắc chắn rằng, đến thời điểm bà H.L. được kết luận bị tổn thương dây thần kinh số VII, thì vẫn thuộc chuyên môn chữa trị của Kangnam?
Có hay không những tắc trách đã xảy ra sau ca PTTM của bà H.L., để rồi sau 4 năm, người bệnh vẫn phải chịu nhiều đau đớn, tổn thương từ những di chứng do ca PTTM năm nào ở Kangnam để lại…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.