Bánh chưng mốc có ăn được không?

DTVN 14:06 03/01/2021

Bánh chưng là món ăn đặc trưng ngày Tết tại miền Bắc. Tuy nhiên, do bảo quản không kỹ, ảnh hưởng của môi trường và thời tiết, bánh chưng bị mốc nhám. Liệu bánh chưng mốc có thể ăn được không?

Bánh chưng là món ăn truyền thống của dân tộc Việt Nam vào mỗi dịp Tết. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn kết hợp cùng hành, tiêu... có những người thích ăn ngọt có thể cho thêm đường vào bánh sau đó gói bằng lá dong và đem luộc trong thời gian từ 8-12 tiếng.

Bánh chưng là món ăn đặc trưng ngày Tết.

Bánh chưng sau khi luộc sẽ có màu xanh đẹp mắt, mùi vị thơm ngon. Nhiều người cứ nhìn thấy bánh chưng là sẽ nghĩ ngay đến Tết - thời gian cả gia đình đoàn viên. Bánh được bày lên ban thờ, xuất hiện trong mâm cơm cúng và trong các bữa ăn ngày Tết. Tuy nhiên, do môi trường và thời tiết nồm ẩm rất dễ khiến bánh chưng bị nấm mốc, lên men nếu không được bả quản đúng các.

Nhiều người cảm thấy tiếc nên sẽ cắt bỏ phần bánh nấm mốc và dùng phần còn lại để chiên, rán giòn và tiếp tục ăn. Thế nhưng, theo các chuyên gia y tế, đây là thói quen cần phải bỏ vì có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của người ăn.

Trả lời trên báo chí, bác sĩ Lê Thị Hải, Chuyên gia Dinh dưỡng, Nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: " Dù đã cắt bỏ phần bị bánh bị hỏng hoặc chế biến bằng cách rán lên nhưng nấm mốc vẫn có thể xâm nhập sâu bên trong, có thể gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa"

Bánh chưng mốc có ăn được không? (Hình minh họa)

Bác sĩ Hải cũng cho biết thêm, một số loại vi khuẩn, nấm mốc sau khi chết vẫn tiết ra độc tố gây ra ngộ độc cho người sử dụng, nguy hiểm hơn là ung thư. Ngoài bánh chưng, tất cả những loại thực phẩm khác như lạc, đỗ, gạo bị mốc nếu ăn vào đều nguy hiểm.

TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã từng khuyến cáo trước truyền thông tốt nhất không nên ăn những thực phẩm đã bị mốc như vậy vì tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm.

Trong khi đó, trả lời trên VietQ, PGS.TS Trần Đình Mấn, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, đồ ăn dễ dàng bị nhiễm các loại mốc do thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam. Các loại mốc thường gặp khi bánh chưng bị mốc là các loại thuộc giống Aspergillus như A. niger, A. oryzae, A. flavus…

Trong các loại nấm mốc thường gặp thì Aspergillus oryzae, Aspergillus niger không sinh ra độc tố gây độc hại cho con người nếu đun nấu kỹ. Còn nấm mốc Aspergillus flavus có chứa độc tố aflatoxin, gây ngộ độc và là tác nhân gây ung thư cho con người.

Khóm nấm mốc A. niger có màu đen hoặc nâu đen lấm tấm như bã café. Khóm nấm mốc A. flavus lúc đầu hơi vàng, cuối cùng trở nên xanh lục hoặc vàng lục, đôi khi hoá nâu khi già. Tuy nhiên, theo GS. TS Nguyễn Lân Dũng, nấm Aspergillus flavus khi nhìn bằng mất thường không thể phân biệt được với nấm Aspergillus oryzae, một loài nấm an toàn chuyên sử dụng để làm tương ở các làng nghề truyền thống.

Vì vậy, nếu bánh chưng bị mốc có màu vàng thì phải bỏ đi (kể cả có đun nấu kỹ). Còn nếu bánh chưng mốc có màu đen, thì chỉ cần loại bỏ phần bị mốc, đu nấu kỹ, vẫn có thể ăn được.

Theo Sức khỏe Cộng đồng

Link gốc : https://suckhoecongdongonline.vn/banh-chung-moc-co-an-duoc-khong-d200452.html

Bạn đang đọc bài viết Bánh chưng mốc có ăn được không? tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống
Tin tức mới nhất