VIS: Có lãi sau 7 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ
Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (mã CK: VIS) đã bất ngờ công bố kết quả kinh doanh có lãi sau 7 quý liên tiếp kinh doanh thua lỗ.
Giá vốn hàng bán giảm nhiều hơn mức giảm của doanh thu nên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt hơn 32 tỷ đồng (cao gấp 3,7 lần so với quý II/2019).
Trong kỳ, VIS còn có gần 22 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính (tăng mạnh so với 4,6 tỷ đồng cùng kỳ) trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được cắt giảm đáng kể so với quý II/2019.
|
Doanh thu thuần trong kỳ của VISCO đạt 902 tỷ đồng, giảm 32,3% so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm được các chi phí trong kỳ nên VIS có lãi ròng hơn 25 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 16 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây cũng là quý đầu tiên VIS báo lãi trở lại sau 7 quý liên tiếp trước đó ngập trong thua lỗ.
Lũy kế 6 tháng, VIS ghi nhận 1.658 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 30% so với cùng kỳ và vẫn phải ghi lỗ hơn 32 tỷ đồng. Được biết, trong năm nay VIS dự kiến vẫn lỗ gần 66 tỷ đồng.
Theo báo cáo, lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/6 của VIS ghi nhận hơn 560 tỷ đồng, cao hơn so với con số 482 tỷ đồng của vốn chủ sở hữu.
Kinh doanh có lãi do đâu?
Theo giải trình từ phía công ty, kết quả kinh doanh có lãi ghi nhận trong quý là do công tác nhận định, đánh giá thị trường tương đối tốt dẫn đến các giao dịch mua bán nguyên vật liệu đầu vào trong quý II đều bám rất sát theo biến động lên xuống của thị trường.
Công tác quản trị hàng tồn kho cũng thu được hiệu quả tốt hơn so với các kỳ trước, hạn chế phát sinh tình trạng chênh lệch giữa giá sổ sách của hàng tồn kho với giá trị trường có thể thực hiện được. Kết quả là công ty đã được hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho làm tăng lợi nhuận trong kỳ.
Ngoài ra do tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và VND biến động tăng mạnh từ cuối quý 1 và giảm xuống trong quý 2 nên công ty đã phát sinh khoản thu nhập chênh lệch tỷ giá hối đoái khi thực hiện thanh toán cho các nhà cung cấp và đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ của các khoản công nợ có nguồn gốc ngoại tệ.
Bên cạnh đó những giải pháp kỹ thuật được công ty nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong khâu sản xuất đã thu được hiệu quả. Các khoản chi phí sản xuất phôi thép được tiết giảm và duy trì ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho sản phẩm phôi thép của VIS có thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 21/7, cổ phiếu VIS ghi nhận phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp qua đó đưa thị giá về mức 17.300 đồng.
Tính chung trong 10 phiên gần nhất, (với 4 phiên giảm, 3 phiên tăng và 3 phiên đứng giá), cổ phiếu VIS vẫn giao dịch trong khoảng 17.xxx đồng dù thị giá đã mất hơn 400 đồng/cổ phiếu. Với gần 74 triệu cổ phiếu đang niêm yết, vốn hóa tạm tính của doanh nghiệp này đạt 1.277,27 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu VIS hiện vẫn nằm trong diện kiểm soát từ 3/4/2020 do lợi nhuận sau thuế năm 2018 và năm 2019 là số âm. Chính điều này khiến sức hấp dẫn của mã đối với giới đầu tư gần như bằng 0 khi khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt hơn 320 đơn vị/phiên.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ