Ngành thép “thê thảm” - dự báo của tỷ phú Trần Đình Long dần hiện hữu

.nguoiduatin. 11:14 25/07/2022

Cho đến nay, ngành thép đã có 5 doanh nghiệp báo giảm lãi tới 90% trong bối cảnh giá thép lao dốc. Điều này để thấy, dự báo của Chủ tịch Hoà Phát đang hiện hữu.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với doanh thu 6.620 tỷ đồng, tăng 11%. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 70% về 205 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,64% xuống 3,1%.

Doanh thu tài chính tăng 144% lên 28 tỷ đồng nhưng chi phí gấp 8,7 lần lên 110 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh liên kết giảm lãi từ 23 tỷ về 8 tỷ đồng trong khi hoạt động khác có lãi 12 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 12 tỷ. Chi phí bán hàng tăng 64%, chi phí quản lý giảm 26%.

Theo đó, doanh nghiệp thép ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý II đạt 47 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 20% lên 13.250 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 10,2% xuống 3% là yếu tố chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 82% xuống 127 tỷ đồng. EPS cũng giảm 82% xuống 2.086 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.

Read more...

Công ty cho biết, sản lượng trong nửa đầu năm giảm 2% nhưng cơ cấu mặt hàng thay đổi nên doanh thu tăng. Song, giá thép xu hướng giảm nhanh dẫn đến giá vốn cao và ảnh hưởng đến việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng.

Tại thời điểm 30/6/2022, công ty có 3.542 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 39% so với đầu năm. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho 170 tỷ đồng, tăng so với mức 119 tỷ đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng từ 2.858 tỷ đồng lên 3.632 tỷ đồng, chủ yếu trong phải thu của khách hàng.

Ở phần nguồn vốn, Thép SMC giảm vay ngắn hạn từ 3.144 tỷ đồng xuống 2.788 tỷ đồng và tăng nhẹ vay dài hạn từ 461 tỷ đồng lên 611 tỷ đồng. Ngược lại, phải trả người bán ngắn hạn hơn gấp đôi lên 4.467 tỷ đồng.

Cách đây không lâu, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Hoà Phát diễn ra vào hồi tháng 5/2022, Chủ tịch Trần Đình Long đã báo hiệu ngành thép sắp tới sẽ “thê thảm”.

Ông nói: “Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV đi rồi sẽ thấy. Lúc này, ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý II/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.

Thực tế, báo cáo tài chính quý II vừa công bố của các doanh nghiệp thép đã phần nào xác nhận cho điều này. Thép Mê Lin (mã: MEL) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 162 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận giảm mạnh 93% xuống chỉ còn gần 1,7 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu của công ty tăng 25% lên 411 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng.

Về phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS) ghi nhận doanh thu thuần trong quý II giảm 11%, về mức 3.189 tỷ đồng. Tuy nhiên tốc độ tăng giá vốn cao hơn giá bán khi ngốn tới 3.143 tỷ đồng, do đó lợi nhuận gộp lao dốc gần 90%, về vỏn vẹn gần 47 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, Tisco báo lợi nhuận sau thuế quý II vỏn vẹn gần 6 tỷ đồng, giảm 90% so cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tisco ở mức 6.923 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 6% so cùng kỳ. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm mạnh 66% về còn gần 35 tỷ đồng.

Gang thép Cao Bằng (mã: CBI) kết thúc nửa đầu năm 2022 mới đạt được 37% kế hoạch doanh thu (3.538 tỷ đồng), tuy nhiên so với kế hoạch lợi nhuận (sau thuế) 88,8 tỷ đồng, công ty đã đạt được gần 50% kế hoạch.

Còn Thép Thủ Đức cho biết, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý II đến nay, lượng thép tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến công ty ngưng sản xuất, giá thép tồn kho tăng cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng giá vốn. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp trong quý II/2022 lỗ 2,4 tỷ đồng và kéo kết quả hoạt động kinh doanh chung của công ty đi xuống.

Trước bối cảnh giá thép lao dốc, các doanh nghiệp ngành thép báo lãi giảm sâu trong quý II/2022 (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong báo cáo cập nhật ngành thép mới đây, SSI Research đã đánh giá, sau khi tăng 15% trong quý I/2022 do nhu cầu bị dồn nén, sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.

Mặt khác, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh vào tháng 3, còn giá thép HRC cũng đã giảm 25% so với mức đỉnh vào tháng 4, theo diễn biến của giá thép thế giới.

Trong khi đó, giá than cốc đã giảm 36% so với mức đỉnh hồi tháng 4, giá quặng sắt cũng giảm 13% trong 3 tháng qua do sản lượng thép sản xuất giảm, đặc biệt từ Trung Quốc. Mặc dù giá nguyên vật liệu giảm có thể dẫn đến việc các công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho trong ngắn hạn, song nguyên liệu đầu vào rẻ hơn có thể giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty trong các quý tiếp theo.

SSI Research dự báo tỉ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý II và quý III năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018 - 2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỉ lệ nợ ở mức an toàn hơn.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/nganh-thep-the-tham-du-bao-cua-ty-phu-tran-dinh-long-dan-hien-huu-a561230.html

Bạn đang đọc bài viết Ngành thép “thê thảm” - dự báo của tỷ phú Trần Đình Long dần hiện hữu tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần
Tin tức mới nhất