Vài tuần qua, tin đồn về việc hai sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam là Tiki và Sendo sáp nhập đã lan truyền rộng rãi. Tuy nhiên, theo thông tin từ Deal Street Asia, hai bên đã "hủy kèo".
Một nguồn tin thân cận tiết lộ nguyên nhân trực tiếp khiến thương vụ không thể diễn ra đến từ việc nhiều cổ đông không đồng ý với các điều kiện sau sáp nhập. Ví dụ, JD.com, sàn thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc đồng thời là cổ đông chiến lược của Tiki, đã phản đối.
Một giám đốc cấp cao khác tiết lộ một lý do khác chính là COVID-19. Đại dịch đã khiến khoảng cách giữa hai sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng, trong khi hai bên đã thống nhất các điều kiện sáp nhập trước đó.
"Trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành, tỉ lệ sáp nhập biến động theo hướng có lợi cho Tiki, song nhiều nhà đầu tư cho rằng thỏa thuận không có ý nghĩa chiến lược với công ty", vị giám đốc điều hành trên tiết lộ.
Trong buổi phỏng vấn với Tech In Asia gần đây, ông JJ Ang, giám đốc tài chính của Sendo, nhắc lại rằng Sendo tin tưởng sáp nhập là một xu hướng tự nhiên, song việc đó phải diễn ra trong hoàn cảnh phù hợp, với các điều khoản hợp lí.
"Giống như Indonesia và thậm chí Singapore, thị trường Việt Nam có tầm quan trọng cao và đủ lớn để nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển", Ang phát biểu.
|
Tin đồn về sự sáp nhập giữa Tiki và Sendo đã xuất hiện từ vài tuần trước, song DealStreetAsia đưa tin đàm phán đã thất bại và hai bên hủy kế hoạch sáp nhập bởi ảnh hưởng của COVID-19 |
Tiki, Sendo là hai sàn thương mại nội địa nhận nhiều vốn đầu tư nhất ở Việt Nam. Họ đã huy động tổng cộng 112 triệu USD tới thời điểm hiện tại. Khởi nguồn từ một dự án khởi nghiệp của tập đoàn FPT, Sendo đang cố gắng tạo ra khác biệt bằng chiến lược vươn tới người tiêu dùng bên ngoài Hà Nội và TP HCM.
Tin đồn về sự sáp nhập giữa Tiki và Sendo đã xuất hiện từ vài tuần trước, song DealStreetAsia đưa tin đàm phán đã thất bại và hai bên hủy kế hoạch sáp nhập bởi ảnh hưởng của COVID-19. Nếu hai sàn sáp nhập thành công, đây sẽ là sự kiện có thể định hình lại thị trường thương mại điện tử trị giá 35 tỉ USD ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, Ang tin rằng các chỉ số đo lường hoạt động của Sendo - như lượt truy cập tự nhiên, tỉ lệ chuyển đổi lượt truy cập thành giao dịch, tần suất mua hàng của người dùng - đều rất bền vững và vượt trội so với các đối thủ.
Vị giám đốc tài chính cũng tin Sendo có thể triển khai mô hình C2C (người dùng giao dịch với người dùng) và đây là một lợi thế. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khả năng Sendo sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Lazada và Shopee nếu triển khai mô hình ấy.
Những nhà đầu tư hiện nay của Sendo, theo Ang, cũng đã rót thêm vốn trong vòng series C mở rộng hồi tháng 3.
"Sendo đang tìm những nhà đầu tư dài hạn, những người có thể tăng thêm giá trị chiến lược trong những lĩnh vực như bán lẻ thương mại điện tử và công nghệ tài chính", Ang nói.
Về triển vọng có lãi, Ang nhận định viễn cảnh ấy sẽ diễn ra trong 2-3 năm tới. Ông cũng nói thêm rằng Sendo có thể chào bán cổ phiếu ra công chúng trong vài năm tới để các nhà đầu tư hiện nay thoái vốn.
Theo dữ liệu của Sendo, công ty đang có hơn 500.000 đối tác bán hàng trên nền tảng của họ, phục vụ 12 triệu người tiêu dùng ở 63 tỉnh của Việt Nam.