Chiều tối 16/10 vừa qua Công ty CP Viwaco đã đấu nối đường nước sông Đuống để phục vụ cho một số khu vực tại Hà Nội với việc bổ sung hơn 60.000 m3 cho các khách hàng thủ đô. Hiện nước sạch sông Đà đang gặp hạn, còn nước mặt sông Đuống của Shark Liên đang có nhiều cơ hội chiếm “thị phần” Hà Nội.
Cùng điểm qua những dấu mốc, các con số về Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (thành viên của tập đoàn Aqua One) làm chủ đầu tư.
Nhà máy nước mặt sông Đuống có gì hay?
Ngày 5/9, Tập đoàn AquaOne đã tổ chức khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống - dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm) phân kỳ 2 của giai đoạn 1.
Đây là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, gồm 2 phân kỳ. Phân kỳ 1 khánh thành vào tháng 10/2018 với công suất 150.000m3/ngày đêm; phân kỳ 2 có công suất 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên.
|
Nhà máy nước sông Đuống sử dụng đường ống Trung Quốc có tổng đầu tư gấp 3 lần Sông Đà. |
Tuy nhiên trước đó dự án này đã dính không ít tai tiếng liên quan đến hệ thống đường ống có xuất xứ Trung Quốc và giá bán nước cao gấp đôi đối thủ nước sạch sông Đà.
Cụ thể, dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công ngày 9/3/2017, khánh thành giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2 ngày 13/10/2018. Dự án xây dựng trên diện tích gần 61,5ha tại các xã Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội), do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (thành viên của tập đoàn Aquaone) làm chủ đầu tư.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được sử dụng ống XINGXING của Trung Quốc. Đây chính là doanh nghiệp mà năm 2016 đã trúng thầu cung cấp ống nước cho đường ống nước sông Đà. Đường ống của công ty Trung Quốc lắp cho Dự án nước sông Đà đã bị dư luận lên tiếng lo ngại và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc này.
Tuy nhiên, hợp đồng cung cấp ống cho dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống vẫn được ký với chính nhà thầu Trung Quốc trên.
Mới đây vào ngày 3/6/2019 vụ tai nạn của xe container gây sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội). Trước đó, Thanh tra Giao thông huyện Gia Lâm cho biết vị trí này đã bị sụt lún, với diện tích khoảng 20m2. Do sự cố này mà một số khu vực thuộc 3 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa chịu ảnh hưởng nước yếu trong vài ngày. Sự cố sụt lún dẫn tới xe hạng nặng sập hố gây vỡ ống nước của nhà máy nước mặt sông Đuống khiến dư luận phải thêm một lần lưu tâm tới chất lượng ống và chất lượng thi công của dự án này.
Giá nước nhà máy sông Đuống thế nào?
Chia sẻ với báo chí gần đây, lãnh đạo Nhà máy nước mặt sông Đuống cho biết giá bán nước tạm tính mà Hà Nội mua của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.264 đồng/m3.
Như vậy giá bán tại đây cao gần gấp đôi so với các nhà máy nước sinh hoạt khác cung cấp cho Hà Nội và để lý giải cho việc này đại diện nhà máy cho hay chính việc phải kéo dài đường ống nước đi nhiều quận huyện như vậy đã khiến cho giá của mỗi mét khối nước lên tới 10.264 đồng.
"Để sản xuất ra mỗi mét khối nước tại chỗ, giá thành chỉ có hơn 1.000 đồng. Nhưng để đưa nước cung cấp cho nhân dân sử dụng, xây dựng tuyến đường ống tốn kém hơn nhiều”, đại diện nhà máy nước sông Đuống phát biểu với báo chí.
Dự án nước mặt sông Đuống, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, công suất 150.000m3 nước/ngày đêm, trong khi Dự án nước sông Đà có tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, công suất 300.000m3/ngày đêm. Như vậy công suất bé hơn mà tổng đầu tư của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống lại cao gấp 3 lần sông Đà. Giá bán cũng cao gần gấp đôi khiến dư luận băn khoăn. Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ tại cùng thời điểm, cùng là đơn vị cung cấp nước sạch cho Thủ đô, nhưng hiện tại giá bán nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho thành phố lại chỉ có giá bằng một nửa (hiện Viwasupco đang cung cấp nước sạch cho các đơn vị là Công ty cổ phần nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty cổ phần Viwaco, Thanh Hà và Hà Đông giá là 5069,76 đồng/m3).
Do có sự chênh lệch đáng kể như vậy, vào tháng 5/2019, Sở Tài Chính Hà Nội đã có cuộc họp về việc xem xét điều kiện bù giá nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và Công ty cổ phần Viwaco (thuộc VINACONEX).
Báo cáo của nước sạch sông Đà (Viwasupco) cho biết thực tế đơn vị này cũng đang cung cấp dịch vụ bán buôn nước sạch lâu dài và ổn định cho hai đối tác trên của mình. Công ty này đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3.
Chỉ cần với giá bán này, hai đơn vị mua lại nước của Công ty nước sạch sông Đà là Viwaco và Hà Đông vẫn đang hoạt động ổn định và có lãi. Hiện tại ngân sách Nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này. Viwasupco đã khuyến cáo với cơ quan chức năng, nếu mua nước từ một đơn vị cung cấp khác có giá cao hơn, có thể dẫn tới việc hao tổn ngân sách do trợ giá nước.
Shark Liên: Từ "bà hoàng" ngành bảo hiểm "bén duyên" nước sạch
Nói đến nước mặt sông Đuống không thể nhắc đến nữ tướng Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Tập đoàn Aqua One.
Trước khi "bén duyên" cùng ngành nước và gắn liền với các nhà máy nước mặt Sông Đuống, Sông Hậu, bà Đỗ Thị Kim Liên cùng chồng là ông Lê Toàn (Hiện là chủ tịch HĐQT của Vungtau Shipyard) được biết đến với vai trò sáng lập và điều hành tại Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA trước khi nhượng lại cho Tập đoàn AIG của Australia năm 2013.
Sau đó, ông bà thành lập Tập đoàn Aqua One hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực nước sạch và BOT. Tập đoàn Aqua One là một nhóm doanh nghiệp có hạt nhân là Công ty cổ phần Nước Aqua One (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng). Dù không được biết đến nhiều, song tập đoàn này đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
|
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước mặt Sông Đuống. |
Ngay trên website công ty cho biết Cảng Cái Mép Hạ là dự án trọng điểm của Aqua One, ngoài ra còn có các dự án BOT Quốc lộ 14; BOT Quốc lộ 22&22B với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng; Nhà máy nước Sông Hậu có vốn 2.000 tỷ đồng. Tại Hà Nội, Aqua One có dự án Xây dựng hệ thống cấp nước tại thị trấn Xuân Mai và dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Mỗi dự án có vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng.
Tập đoàn của vợ chồng bà Đỗ Thị Kim Liên đồng thời là cổ đông chiến lược tại nhiều công ty cấp thoát nước tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Mặc dù rút hết vốn khỏi Bảo hiểm AAA từ năm 2013, tuy nhiên bà Đỗ Thị Kim Liên cùng Aqua One vẫn ít nhiều liên quan tới mảng này. Em gái bà Liên - bà Đỗ Thị Minh Đức hiện là Chủ tịch HĐQT, sở hữu 87% vốn tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Bà Đỗ Thị Minh Đức cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Aqua One.