Năm 2020, huyện Ba Vì (Hà Nội) phấn đấu phát triển 16 - 20 sản phẩm được xếp hạng OCOP. Để người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), UBND huyện Ba Vì đang tích cực đẩy mạnh tham gia quảng bá rộng rãi, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm OCOP địa phương.
Hơn 20 năm chuyên nuôi ong và làm giàu từ con ong mật, cơ sở nuôi ong Vinh Hoa của gia đình bà Chu Thị Vinh (thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã được nhiều người biết đến.
Theo bà Chu Thị Vinh, mỗi năm cơ sở Vinh Hoa xuất bán từ 60 - 70 tấn mật. Để có sản phẩm mật ong thiên nhiên đạt tiêu chuẩn VietGAP, gia đình thực hiện nuôi ong theo từng mùa hoa hàng năm. Do đó sản phẩm mật ong thiên nhiên của Vinh Hoa luôn đạt chất lượng tốt, được nhiều người tin dùng. Hiện nay, sản phẩm mật ong thiên nhiên của gia đình bà Chu Thị Vinh được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận OCOP 3 sao.
Nhờ được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm mật ong thiên nhiên Vinh Hoa không chỉ giới hạn tại địa phương mà ngày càng được nhiều người tiêu dùng Thủ đô và cả nước biết đến. Sản phẩm mật ong, phấn hoa của cơ sở nuôi ong Vinh Hoa không ngừng tăng qua từng năm. Đặc biệt, sản phẩm mật ong đã được một công ty của Hàn Quốc chuyên làm bánh gạo mật ong ký hợp đồng tiêu thụ.
|
Mỗi sản phẩm được gắn sao OCOP là thêm một bước đến gần hơn với người tiêu dùng. |
Từ việc tham gia Chương trình OCOP, người dân được hỗ trợ hoàn tất thủ tục chứng nhận chất lượng, xây dựng tem nhãn, bao bì hàng hóa, nhất là công tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Điều này giúp sản phẩm của gia đình bà Vinh nói riêng và các sản phẩm địa phương ngày càng tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân, sau năm đầu tiên thực hiện Chương trình OCOP, huyện Ba Vì đã có 9 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, gồm sữa tươi thanh trùng không đường Trang Viên, sữa tươi thanh trùng có đường Trang Viên, sữa chua trắng Trang Viên, sữa chua nếp cẩm Trang Viên, caramen Trang Viên, bánh sữa Trang Viên; 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm, gà đồi Ba Vì, mật ong thiên nhiên Vinh Hoa, tinh bột nghệ nếp đỏ Trung Năng. Hiện, các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Ba Vì được phân bổ khá đồng đều ở các địa phương với nhiều sản phẩm đa dạng đã và đang được người tiêu dùng đón nhận.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, UBND huyện Ba Vì đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình trong năm 2020, mục tiêu toàn huyện sẽ có 25 - 30 sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm OCOP. Để chủ động thực hiện kế hoạch, huyện Ba Vì yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm dựa trên cơ sở nền tảng các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế...
Trước mắt, để đạt mục tiêu có 16 - 20 sản phẩm tham gia OCOP trong năm 2020, UBND huyện Ba Vì đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân đều hiểu vai trò, ý nghĩa, mục đích của chương trình, từ đó tích cực tham gia và quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện cũng đã bố trí cán bộ có năng lực thực hiện chương trình OCOP, thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể về chiến lược phát triển sản phẩm, ưu tiên sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại địa phương và tập trung phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP…
Đặc biệt, thực hiện Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy, phát huy sáng tạo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, huyện Ba Vì hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tham gia OCOP thiết kế logo, mẫu mã, bao bì sản phẩm, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… gia tăng giá trị cho từng sản phẩm.
Theo Thu Trang/Báo Công Thương Điện Tử