Câu chuyện bức xúc của một người địa phương trở về từ nơi cải tạo
Phản ánh với báo chí, một số người dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, năm 2006, họ nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi Trường bắn TB1. Sau khi chấp hành chủ trương, chuyển đến nơi ở mới trong huyện, họ tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết việc chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai, hoa màu, nhân, hộ khẩu thiếu nhất quán giữa các thời điểm gây thiệt thòi cho người dân.
Tuy nhiên, đến năm 2011, trong lúc những thắc mắc, kiến nghị trên chưa được giải quyết dứt điểm thì tại khu vực đất canh tác cũ của các hộ tại xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn đã được bàn giao cho Trường bắn TB1 quản lý xuất hiện cả nghìn người lập lán trại; huy động hàng trăm máy múc công suất lớn đào, đãi vàng sa khoáng.
Trao đổi với Báo Giao Thông, anh L.V.Q cho hay khi anh thấy những người kia có thể vào Trường bắn đào vàng, trồng cây trên đất cũ của nhà mình, anh nghĩ do đền bù chưa thỏa đáng thì mình cũng có thể trở về trồng cây, canh tác tiếp. Đến trở về nơi ở cũ thì dẫn đến xô xát với người đến đào vàng và lực lượng chức năng
Anh Q là một trong số hàng chục người khác đã bị bắt giữ, xử lý hình sự và kết án tù về tội Gây rối trật tự công cộng sau phiên toà xét xử diễn ra trong ngày 8-9/3/2012 tại hội trường Trường bắn TB1.
Sau khi chấp hành bản án trở về, anh Q. đã tìm hiểu và được biết, lúc thực hiện dự án này, một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng mắc sai phạm, bị đề nghị kỷ luật, điều tra xử lý hình sự... nhưng vẫn liên tục được thăng chức.
“Lúc đó, ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang làm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh; ông Nguyễn Văn Tám làm Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) TB1; ông La Văn Nam, Phó chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban Bồi thường hỗ trợ huyện Lục Ngạn...
Hiện nay, chỉ có ông Nguyễn Văn Tám đã về hưu theo quy định, ông Bùi Văn Hạnh đang làm Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang; ông La Văn Nam hiện giữ các chức Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn”, ông Đ.T.K, một người dân huyện Lục Ngạn nói.
|
Ông Bùi Văn Hạnh (trái), Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang và ông La Văn Nam phát biểu khi được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn. Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân, Báo Bắc Giang. |
Về câu chuyện khai thác vàng tại Lục Ngạn, Bắc Giang, vào năm 2011, báo chí cũng đã phản ánh khu vực Trường Bắn Quốc gia khu vực 1 cũng là một trong số những "điểm đen" khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” là mẫu số chung cho việc quản lý hoạt động khai thác vàng ở đây.
Ông Bùi Văn Hạnh: Đã được chấp nhận bỏ qua vi phạm
Được biết, Dự án Di dân tái định cư Trường bắn TB1 là dự án lớn, rất quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng được thực hiện trên địa bàn 02 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, đây là dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện theo các chính sách đặc thù riêng.
Dự án có mục tiêu di chuyển 2.534 hộ (12.035 khẩu) ra khỏi khu vực Trường bắn TB1 và bồi thường hỗ trợ nhưng không phải thực hiện di chuyển cho 2.071 hộ thuộc 2 huyện Lục Ngạn, Sơn Động; theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dự án sẽ kết thúc trong năm 2012.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ từng công tác tại Ban QLDA TB1 tỉnh Bắc Giang cho biết, những sai phạm của các cá nhân nêu trên đã được Thanh tra Chính phủ kết luận rõ từ năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Tám đã ban hành quyết định chỉ định thầu thuê Công ty CP Công nghệ môi trường và trắc địa bản đồ Xương Giang (Công ty Xương Giang) thực hiện hợp đồng đo đạc bản đồ địa chính đất trồng cây hàng năm, đo đạc diện tích đất, kiểm đếm tài sản của một số hộ dân với giá trị trên 4,5 tỷ đồng có nhiều nội dung trái luật.
Hội đồng Bồi thường hỗ trợ (BTHT) huyện Lục Ngạn cũng ký hợp đồng thuê Công ty Xương Giang lập các phương án bồi thường cho các hộ dân với giá trị thanh toán là 2% tổng kinh phí BTHT cũng được xác định là trái luật. Thời điểm này, Công ty Xương Giang là đơn vị thiếu năng lực kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật, không đáp ứng công việc trên.
Tổng kinh phí BTHT do công ty này lập là hơn 92,5 tỷ đồng nhưng quá trình đo đạc, kiểm đếm công ty không đối chiếu với với hồ sơ địa chính tại địa phương; các hộ dân chưa ký nhận diện tích dẫn đến kết quả sai lệch, người dân không đồng ý nhận tiền, bàn giao đất...
Có 38 trường hợp (trong đó 24 trường hợp không đủ điều kiện, 14 trường hợp sai đối tượng) nhưng vẫn được Hội đồng BTHT huyện Lục Ngạn chi trả tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội đồng BTHT huyện Lục Ngạn còn chi trả tiền khi có văn bản yêu cầu dừng từ Ban QLDA TB1; 12 trường hợp không có đất vườn nhưng vẫn được trả tiền cây ăn quả... làm thất thoát hơn 1,6 tỷ đồng Ngân sách Nhà nước; lập phương án, chi trả trùng đối tượng hơn 13 tỷ đồng...
Đặc biệt, ngày 20/5/2011, ông Bùi Văn Hạnh đã chỉ đạo Ban QLDA TB1 ký hợp đồng ủy thác đầu tư, nhiều lần chuyển khoảng 46 tỷ đồng vốn dùng để cấp phát, hỗ trợ người dân ổn định đời sống tại nơi tái định cư trong dự án sang Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Giang để cho vay...
Đây là hành vi sử dụng vốn sai mục đích, cố tình làm trái. Ban QLDA TB1 đã chi tiêu hơn 6,1 tỷ đồng từ dự án nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh. Cũng theo vị cán bộ trên, thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu thu hồi các khoản tiền sai phạm trên.
Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm với các ông, bà: Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Ban QLDA TB1; Hoàng Thị Bình, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, kiêm phụ trách kế toán Ban QLDA TB1; La Văn Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn; ông Nguyễn Văn Bái, Phó giám đốc Sở NN&PTNT (nay đã nghỉ hưu) cũng bị yêu cầu kiểm điểm trách nhiện liên quan.
Xác nhận các nội dung sai phạm nêu trên, ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang cho biết, thời điểm đó ông và UBND tỉnh Bắc Giang đã có giải trình cụ thể và được Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an chấp nhận bỏ qua vi phạm.
Riêng ông La Văn Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn luôn tìm cách tránh mặt với lý do bận họp, tiếp khách.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ