Đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng
Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP.HCM có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến "Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 8/9, ông Phạm Ngọc Thạch- Phó ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, tác động của Covid-19 tới cộng đồng doanh nghiệp là hết sức nghiêm trọng. Số liệu thống kê của VCCI cho thấy, có đến 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả các doanh nghiệp lớn cũng chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng”, ông Thạch nhấn mạnh.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, theo ông Phạm Ngọc Thạch việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin cho người lao động tại các doanh nghiệp là ưu tiên quan trọng cần làm. Cùng với đó, việc đảm bảo thông suốt trong vận tải hàng hoá liên tỉnh và nội tỉnh, tránh gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa cũng gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cần đảm bảo sự thống nhất trong chính sách và quy định phòng chống dịch từ Trung ương tới địa phương, nhanh chóng bãi bỏ các quy định do các địa phương ban hành trái với quy định của Trung ương.
Cần có phương án “sống chung” với dịch
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, ngoài những giải pháp của Chính phủ và các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi này.
Ông Phòng nhấn mạnh, tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp an toàn với Covid-19 song các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc chủ động, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.
Để vượt qua thách thức hiện tại, đại diện VCCI cho rằng nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19”, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Còn ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, do vậy để thích ứng với tình hình này, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.
Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng; duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch.
Đặc biệt doanh nghiệp cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
"Cuối cùng là xây dựng chiến lược kinh doanh hậu Covid-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư", ông Trịnh Minh Anh cho biết.
GS.TS. Nguyễn Đức Khương - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng- Chủ tịch Tổ chức khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu- nhận định, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế do tính năng động và năng lực tiếp cận số cao, nhanh.
Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19.
“Phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.