PVcomBank với 592,3 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi
Theo bản báo cáo của Vinapaco (31/10/2019), Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng (theo các hợp đồng tín dụng giữa TRACODI - chủ đầu tư ban đầu của dự án trước đây, sau đó được Vinapaco mua lại với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (tiền thân của PVcomBank) chi nhánh Vũng Tàu).
Nhưng Vinapaco hiện đang gặp khó khăn về tài chính, không chi trả được các khoản nợ gốc và lãi nêu trên cho PVcomBank.
|
Đầu năm 2020, dù 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ của Bộ Công Thương đã được chuyển giao qua Ủy ban quản lý vốn nhà nước (CMSC) quản lý nhưng Bộ Công Thương vẫn có văn bản kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và Đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapaco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ về tiến độ công tác xử lý dự án. Tức là bán tài sản toàn bộ dự án để trả nợ cho các bên.
Tuy nhiên, sau 12 năm dự án đầu tư bị “đắp chiếu”, không thể đi vào sản xuất, tài sản cố định của dự án cũng không còn giá trị. Năm 2017, (Vinapaco) đã triển khai tổ chức bán đấu giá toàn bộ dự án lần 1 nhưng không có ai mua. Sau khi chứng thư thẩm định giá lần thứ nhất hết hiệu lực, Công ty đã tiến hành thẩm định giá tài sản và hàng tồn kho của dự án lần thứ 2.
Chính phủ đã đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả định giá lần thứ 2 của Vinapaco, tuy nhiên sau khi Kiểm toán Nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán năm 2019, chứng thư thẩm định giá lần 2 hết hiệu lực nên việc bán đấu giá vẫn bế tắc.
Số nợ phải thu của dự án chỉ còn vài tỷ đồng. Nhưng những khó khăn vướng mắc, nhất là công nợ phải trả còn rất lớn. Chỉ riêng PVcomBank, dự án còn nợ 592,3 tỷ đồng bao gồm cả gốc và lãi. Các khoản nợ ngân hàng khác cũng lên đến cả ngàn tỉ đồng nhưng khó có khả năng thu hồi.
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thua lỗ trầm trọng không thể trả nợ?
Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam thực ra không phải do tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương làm chủ đầu tư. Ban đầu, Công ty Tradico (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.487 tỷ đồng. Dự kiến sẽ sản xuất 100.000 tấn bột giấy/năm tại Long An.
Sau khi khởi công vào năm 2014, Tradico được chuyển về UBND tỉnh Long An. Chính phủ đã bảo lãnh khoản vay 67 triệu euro từ Ngân hàng Societe General của Pháp cho dự án và đến nay Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài (Bộ Tài chính) vẫn phải đứng ra trả thay.
Ngay từ tháng 8/2008, dự án đã tạm ngừng thi công do khó khăn về tài chính, không giải ngân được vốn và tình hình thị trường thay đổi. Từ năm 2009, dự án lại được chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương).
|
Dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 1.487 tỷ đồng lên 2.286 tỷ đồng, và sau đó Tổng công ty Giấy đã điều chỉnh lên 3.409 tỷ đồng.
Năm 2012, dự án đã chạy thử không tải nhưng không thành công do nguyên liệu đay của Long An không phù hợp với công nghệ sản xuất. Khi thuê tư vấn đánh giá lại hiệu quả thì vẫn thua lỗ với mức thua lỗ dự kiến là 455 tỷ đồng/năm (tính cả khấu hao).
Sau nhiều cuộc họp và kết luận đánh giá dự án này không có hiệu quả, Vinapaco đã dừng đầu tư toàn bộ dự án và tiến hành xử lý tồn tại đến nay chưa xong.
Ngày 22/10/2019, Bộ Công Thương đề nghị Tổng công ty Giấy Việt Nam thuê tư vấn định giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án tại thời điểm 0 giờ 00 ngày 1/10/2019. Đến nay, Vinapaco đã lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá và đang tiến hành triển khai thực hiện (lần 3).
Trong báo cáo trước đó, Bộ Công Thương từng cho biết, số liệu quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã được kiểm toán của công ty TNHH Kiểm toán Việt Anh tại thời điểm 31/12/2015 tổng nguồn vốn là 2.703 tỷ đồng. Trong đó đáng lưu ý, khoản nợ dài hạn lên đến 2.426 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 225,8 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 107,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại báo cáo này, Bộ Công Thương chưa phản ánh được nguồn vốn thực tế đã giải ngân tính đến thời điểm 31/12/2015 lên đến 2.759 tỷ đồng.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ