Vinachem nói gì về thua lỗ của Đạm Ninh Bình?
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã rót 667 triệu USD đầu tư dự án đạm Ninh Bình, nhưng đến nay sau 9 năm đưa vào vận hành, sản xuất, nhà máy rơi vào cảnh thua lỗ trầm trọng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỉ đồng, thua lỗ gần 5.000 tỷ đồng.
Được đầu tư xây dựng năm 2008, tuy nhiên, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà máy này đã thua lỗ 75 tỷ đồng. Theo Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2013-2018 Nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Tổng lỗ lũy kế từ năm 2012 đến đầu năm 2016 đã trên 2.000 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của nhà máy tính đến 31-12-2018 hơn 4.900 tỉ đồng. Với con số lỗ lũy kế như vậy, Nhà máy Đạm Ninh Bình bị xếp vào 1 trong 12 dự án yếu kém của ngành công thương.
|
Trao đổi về những khó khăn của Nhà máy, ông Lê Ngọc Quang, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem) thừa nhận thực trạng: "Từ tháng 10-2012, Nhà máy đạm Ninh Bình đã đưa vào hoạt động, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, tạo việc làm ổn định cho hơn 920 người lao động. Tuy nhiên, đến nay nhà máy vẫn đang thua lỗ nên chưa thể trả được lãi gốc cho ngân hàng theo kế hoạch".
Tại thời điểm quyết định đầu tư dự án đạm Ninh Bình, giá đạm urê khoảng 450-500 USD/tấn, trong khi giá than lại thấp. Nhưng khi giá đạm urê giảm mạnh, chỉ còn khoảng 300 USD/tấn, giá than nguyên liệu lại tăng gấp 3 lần trước đây. Điều này phần nào giải thích cho sự thiếu hiệu quả của dự án.
Về công nghệ, hiện chỉ có hai công nghệ sản xuất phân đạm từ khí hoặc khí hóa than. Sản xuất phân đạm từ than cám sẽ thêm một công đoạn phải khí hóa than, đốt than ra khí.
Trong khi đó, sản xuất phân đạm từ khí sẽ làm trực tiếp luôn. Do vậy, chi phí đầu tư sản xuất phân đạm từ than cám của Vinachem luôn cao hơn so với những dự án sản xuất phân đạm từ khí, nhưng vì không đủ nguyên liệu khí nên phải sản xuất phân đạm từ than.
Về vốn đầu tư, Vinachem vay vốn của Ngân hàng Phát triển VN (VDB), lãi suất thời điểm đầu tư là 11,4%, sau đó giảm còn 9,6-10%/năm tại thời điểm giải ngân vốn. Như vậy, nhà máy này không được ưu đãi gì về lãi suất.
Vinachem đã xin điều chỉnh lãi suất dự án nhiều lần nhưng không được, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu nợ dự án đạm Ninh Bình từ 12 năm lên 20 năm, nhưng VDB vẫn chưa có cơ chế điều chỉnh cơ cấu nợ cho dự án.
Đạm Ninh Bình đã không được đồng lòng 'giải cứu' từ 2018
Nợ nần chồng chất, vào năm 2018, Đạm Ninh Bình muốn vay thêm 500 tỷ đồng để cứu nhà máy. Đây không phải là lần đầu tiên Đạm Ninh Bình kêu cứu và muốn vay vốn. Nhưng từ lâu, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn cho rằng dự án Đạm Ninh Bình đã sai ngay từ đầu nên khó lòng mà giải cứu được. Làm ăn cần phải tuân theo thị thường, lời ăn lỗ chịu, không thể cứ thua lỗ lại đề nghị giải cứu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ quan điểm nên để Đạm Ninh Bình phá sản, bởi vì sản phẩm của nhà máy này không có tính cạnh tranh cao, trong bối cảnh hội nhập hiện nay lại càng không thể cạnh tranh được.
“Cứ DNNN thua lỗ lại giải cứu chỉ vì họ làm ăn yếu kém, không có tính toán thì không ổn”, bà Lan nói.
Quả thực, nhìn lại thảm cảnh của Đạm Ninh Bình, có thể thấy nhiều rủi ro có thể báo trước từ khi Vinachem quyết định đầu tư dự án. Nhiều bộ, ngành đã có văn bản cảnh báo hiệu quả đầu tư dự án không cao, hồ sơ dự án chưa đề xuất cơ chế xử lý rủi ro trong và sau khi đầu tư nhà máy. Nhưng Vinachem làm ngơ và tiếp tục phê duyệt đầu tư, dẫn đến Nhà máy đạm Ninh Bình vận hành, sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định với tình hình tài chính hiện nay, trong 3 năm tới Nhà máy đạm Ninh Bình không có khả năng tự chi trả các khoản nợ đến hạn.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh từng chia sẻ với báo chí rằng, không nên giải cứu nhà máy Đạm Ninh Bình mà hãy để cho nhà máy này phá sản. Nếu giải cứu, thì nhà nước giải cứu những doanh nghiệp tư nhân lớn, làm ăn đàng hoàng đang gặp khó khăn còn hơn giải cứu cho những DNNN làm ăn thiếu tính toán, gây lỗ lớn như thế này.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn, không nên tạo ra tiền lệ phải trả nợ cho các doanh nghiệp, dự án làm ăn thua lỗ. "Những người đã gây ra thất thoát cho dự án này phải có phương án trả nợ", ông Doanh khuyến nghị.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ