|
Theo Cục thuế tỉnh Quảng Bình, đến ngày 30/4 toàn tỉnh có 510 tỷ tiền nợ thuế. Trong đó, có 189 tỷ đồng tiền nợ khó đòi (chiếm 37%).
Lĩnh vực nợ thuế nhiều nhất liên quan đến đất và cấp quyền khai thác khoáng sản nợ 131 tỷ đồng, tiền phạt và chậm nộp thuế nợ 171 tỷ đồng…
Những đơn vị nợ thuế có “thâm niên” như: Công ty cổ phần Khai thác sản xuất bột đá chất lượng Cao Linh Thành nợ 68 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu và Xây dựng Cosevco 1 nợ 59,6 tỷ đồng; Công ty THNH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình nợ 29,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Việt Hà nợ 9,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình nợ 10 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cosevco 6 nợ 7,3 tỷ đồng…
Nhiều công ty nợ thuế nhiều năm với số tiền lớn và thời gian nợ đọng kéo dài, khiến nguồn thu ngân sách của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó các biện pháp thu thuế và cưỡng chế nợ đọng đã được ngành thuế tỉnh Quảng Bình thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt được nhiều kết quả.
Ông Lê Quang Vinh – Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, các đơn vị nợ thuế, hàng tháng chúng tôi có gửi thông báo nợ, nếu quá 90 ngày thì có quyết định cưỡng chế về hóa đơn.
“Chúng tôi gửi thông báo, đôn đốc thường xuyên và căn cứ theo quy định pháp luật để ra quyết định cưỡng chế về hóa đơn. Việc thu hồi tài sản nợ thuế cũng gặp nhiều khó khăn, vì tài sản các doanh nghiệp hầu hết thế chấp cho bên thứ 3” – ông Vinh cho biết.
DN chây ì vì tiền phạt chậm nộp thuế thấp hơn lãi suất vay ngân hàng?
Trao đổi với PV, ông Đoàn Vĩ Tuyến - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Bình chia sẻ, những doanh nghiệp nợ thuế đều có danh sách công khai lên trang website của Tổng cục thuế. Đơn vị cũng báo cáo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về các trường hợp nợ thuế.
|
“Trên địa tỉnh Quảng Bình có một số doanh nghiệp đã đăng ký doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhưng trên thực tế là họ chưa khai thác, chủ yếu là cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền thuê đất. Dù vướng mắc không được giải phóng bàn giao mặt bằng nhưng vẫn phải làm theo quy định Chính phủ là bắt buộc phải nộp tiền cấp quyền khai thác kể từ ngày có quyết định"- ông Tuyến cho biết.
Hiện Cục Thuế tỉnh Quảng Bình cũng đã có đề xuất với các ban ngành để xử lý các doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhưng vướng mắc về thủ tục như: Công ty cổ phần Khai thác sản xuất bột đá chất lượng Cao Linh Thành được cấp phép khai thác đá từ năm 2012, nhưng đến nay không hoạt động, nợ thuế lũy kế 68 tỷ đồng. Công ty cổ phần Cosevco 6 hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá, nhưng mỏ đá lại cấp trên đất quốc phòng nên phải dừng hoạt động. Từ đó, Công ty cổ phần Cosevco 6 dừng khai thác và nợ thuế Nhà nước lũy kế hằng năm đã lên tới 7,3 tỷ đồng...
Đối với những công ty vướng mắc về thủ tục, Cục trưởng cục Thuế Quảng Bình cho biết “Chúng tôi đang phối hợp với các ngành để rà soát các thủ tục xử lý cho họ”.
Theo một cán bộ Cục thuế Quảng Bình tiết lộ thì “có những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn thực sự, nhưng cũng có doanh nghiệp họ chây ì nộp thuế vì tiền phạt chậm nộp thuế thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng. Vì thế, họ chậm trả nợ, thời gian nợ họ cũng không quá 90 ngày để không bị cưỡng chế hóa đơn”.
“Việc thu nợ thuế tuyên truyền, đôn đốc thường xuyên để thu dần dần, trích tiền qua tài khoản, quá thời hạn 90 ngày thì cưỡng chế hóa đơn. Nợ thuế chủ yếu là ở mức xử lý phạt hành chính. Chỉ có hành vi phát hiện trốn thuế, chúng tôi phối hợp với các cơ quan điều tra để xử lý hình sự. Sắp tới thực hiện theo thông tư mới, sẽ có những điểm khác trong thực hiện thu hồi nợ, giãn nợ, xóa nợ” – ông Đoàn Vĩ Tuyến thông tin.
Theo Mộc Diệp (t.H)/SHTT