Giá khởi điểm 19.300 đồng/cổ phần
Ngày 20/3 tới đây, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán đấu giá trọn lô cổ phần sở hữu tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO5) để thoái vốn.
Trong đó, có 17,56 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm 19.300 đồng/cổ phần.
Đây không phải lần đầu tiên, cổ phần CIENCO5 được chào bán. Cuối năm 2015, Bộ Giao thông - Vận tải đã đấu giá cổ phần của tổng công ty này trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), thu hút 3 nhà đầu tư tổ chức. Hải Phát Invest là đơn vị trúng giá, với số tiền bỏ gấp đôi giá khởi điểm.
Tuy nhiên, ngay khi mới trúng đấu giá lô cổ phần này và chưa hoàn thành thủ tục để chính thức trở thành cổ đông của CIENCO5, ngày 11/3/2016, Hải Phát Invest đã cùng các cổ đông chiến lược thực hiện việc sửa đổi điều lệ của CIENCO5, với các thay đổi quan trọng là tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 người lên 7 người; thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ từ 75% xuống còn 51%.
Đồng thời, loại bỏ quy định thời hạn 5 năm không được chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược ở lần sửa đổi điều lệ thứ 2 nhằm dọn đường mua lại 15,5% cổ phần của Công ty Nam Trí – nhà đầu tư chiến lược của CIENCO5.
|
SCIC muốn bán 17,56 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn điều lệ tại CIENCO5 với mức giá khởi điểm 19.300 đồng/cổ phần |
Ngày 28/4/2016, nhóm cổ đông Hải Phát đã tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, bầu thêm 3 thành viên HĐQT là đại diện của các cổ đông này, chính thức kiểm soát HĐQT CIENCO5.
Tuy nhiên, hành động trên của nhóm cổ đông Hải Phát bất thành do vi phạm Luật Doanh nghiệp, Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP và cả điều lệ công ty.
Với cách làm trái pháp luật để thâu tóm quyền lực tại CIENCO5, nhóm cổ đông của Hải Phát Invest đối diện với những rắc rối pháp lý khó vượt qua khi đã có ý kiến từ phía cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu “hoàn trả” tình trạng CIENCO5 về trước thời điểm ngày 11/3/2016.
Đấu giá thế nào khi hồ sơ tài chính của CIENCO5 quá “mờ mịt”?
Tính đến tháng 10/2019, cổ đông CIENCO5 gồm 84 nhà đầu tư, trong đó 94,18% vốn thuộc sở hữu của 3 tổ chức, gồm SCIC (40%), Hải Phát Invest (sở hữu 38,68% vốn) và Công ty Đầu tư Hải Phát Thủ đô (15,5% vốn).
Nếu việc chuyển nhượng lần này thành công, nhà đầu tư thế chân SCIC cần bỏ ra tối thiểu 339 tỷ đồng. Dù SCIC là cổ đông có tỷ lệ sở hữu lớn nhất, nhưng nhóm Hải Phát nắm trên 51% mới là bên có đủ quyền chi phối phần lớn các quyết định.
Điển hình đầu năm 2019, khi lấy ý kiến cổ đông về việc hợp tác giữa CIENCO5 và Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát để cùng thực hiện Dự án BT phân đoạn II và Dự án đối ứng Khu đô thị Mỹ Hưng theo tỷ lệ 55/45%, SCIC đã không tán thành, song chủ trương vẫn được thông qua với tỷ lệ quá bán đồng ý.
Công ty cổ phần Bất động sản Hải Phát (do Hải Phát Invest thành lập, sau đó đã rút hết vốn và Công ty hiện có tên mới là HP Land) khi đó được giới thiệu là doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính. Dù cổ đông Hải Phát Invest từng đứng ra sáng lập, nhưng ở thời điểm bỏ phiếu, Hải Phát Invest và HP Land không còn mối quan hệ về vốn hay người nội bộ. Do không phải là giao dịch bên liên quan, nên nhóm cổ đông đa số vẫn có quyền biểu quyết.
|
Hải Phát Invest có cơ hội “tự quyết” mọi việc ở cựu thành viên của Bộ Giao thông Vận tải. |
Đây có thể không phải lần duy nhất, cổ đông sở hữu 40% vốn buộc phải lép vế. Trong lần chào bán cổ phần sắp tới, hồ sơ công bố phục vụ đợt đấu giá hoàn toàn không có thông tin tài chính của CIENCO5 trong năm 2019, với lý do là báo cáo tài chính tổng hợp kiểm toán năm 2019 chưa được phát hành. Trong khi đó, hồ sơ cũng không có báo cáo tài chính nào khác của năm tài chính 2019.
Chưa kể, các nhà đầu tư quan tâm đến CIENCO5 còn phải chịu một mức giá khởi điểm khá “chát”, cao gần gấp đôi mức giá khởi điểm mà Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra vài năm trước. Trong năm tài chính 2018, CIENCO5 lãi vỏn vẹn 307 triệu đồng. So với quy mô vốn điều lệ, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) chưa đạt tới 7 đồng. Nếu so sánh mức giá khởi điểm hơn 19.000 đồng/cổ phần, với mức EPS trên, P/E sẽ cao ngất ngưởng.
CIENCO5 được thành lập năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại 1 số đơn vị xây dựng cơ bản đã được điều động từ Khu quản ký đường bộ 5. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đường bộ, công trình cầu và kinh doanh bất động sản hạ tầng khu công nghiệp...
CIENCO5 chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2010, có vốn điều lệ là 439 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của công ty cũng không thuận lợi những năm gần đây, nếu như năm 2015, CIENCO5 đạt doanh thu lên đến 1.500 tỷ đồng thì năm 2018, doanh thu của công ty vỏn vẹn 312 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 892 triệu đồng, lãi ròng chỉ đạt 307 triệu đồng, giảm 67% so với năm 2017.
Hơn ngàn tỷ đồng vay nợ để đầu tư công trình BOT Km 987 - Km 1027 Quốc lộ 1A Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của CIENCO5 đạt xấp xỉ 2.153 tỷ đồng. Trong đó, gần một nửa là giá trị Dự án BOT tuyến Quốc lộ 1A đoạn Km 987 - Km 1027 đang được ghi nhận vào nhóm tài sản cố định (1.033 tỷ đồng). Nguyên giá tài sản trên được ghi nhận là hơn 1.200 tỷ đồng. Nguồn vốn tài trợ cho Dự án có tới 1.038 tỷ đồng là vốn vay. Đây là khoản vay áp dụng lãi suất thả nổi (cộng thêm biên độ 3,5%/năm), với kỳ hạn 16,5 năm theo hợp đồng tín dụng ký với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 2013. Theo hợp đồng BOT ký với Bộ Giao thông - Vận tải, việc phân bổ lãi vay từng năm dựa trên kết quả kinh doanh thực tế, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đạt mức 13%, nên lãi vay năm 2018 chỉ còn 18 tỷ đồng, trong khi năm trước đó phải chi tới 224 tỷ đồng. |
T.Hường/Sở hữu Trí tuệ