Chuẩn bị lên sàn, Tập đoàn ASG sức khỏe tài chính ra sao?

DTVN 11:24 06/08/2020

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc khá lớn vào ngành hàng không, vận chuyển hàng hóa, cũng như vận tải. Đây là ngành chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19.

Lợi nhuận quý II/2020 suy giảm, dòng tiền chủ yếu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp CSH
ASG là tập đoàn hoạt động chính trong lĩnh vực phụ trợ hàng không. Công ty cổ phần Tập đoàn ASG mới đây công bố báo cáo tài chính quý II/2020.

Theo đó trong kỳ, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 144,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 15,4 tỷ đồng, lần lượt bằng 66,3% và 31,6% thực hiện năm 2019.

Trong quý II/2020, biên lợi nhuận gộp giảm từ 80,1% về còn 23,6% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 22,4% về còn 10,7%. Kết quả kinh doanh suy giảm chủ yếu do lợi nhuận gộp suy giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 341,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 32,7 tỷ đồng, lần lượt bằng 82,5% và 38,1% so với thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp hoàn thành được 31,1% kế hoạch lợi nhuận.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, biên lợi nhuận gộp giảm từ 36% về còn 25% và biên lợi nhuận ròng giảm từ 20,7% về còn 9,6%. Trong đó, lợi nhuận suy giảm vẫn chủ yếu do lợi nhuận gộp suy giảm.

Được biết, trong năm 2020 doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 818,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 105,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,7% và 32,7% so với thực hiện năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tạo ra 55,3 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ lên tới 117,7 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền tài chính là dương 218,1 tỷ đồng, chủ yếu là tiền thu được từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu 286,7 tỷ đồng; thu tiền đi vay 240,4 tỷ đồng; doanh nghiệp có trả bớt 194,9 tỷ đồng nợ vay.

Tính tới 30/06/2020, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 8,4% lên 1.531,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tài sản cố định trị giá 366,1 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản; tiền và tương đương tiền là 343,8 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 249,9 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn là 198,2 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác là 182 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng tài sản; đầu tư tài chính ngắn hạn là 146 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng tài sản.

Danh sách chứng khoán đang sở hữu. Nguồn: BCTC Tập đoàn ASG

Tính tới 30/06/2020, doanh nghiệp đang sở hữu danh mục đầu tư 100,4 tỷ đồng, đã dự phòng gần 9,8 tỷ đồng. Trong đó, sở hữu CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) là 17,3 tỷ đồng; CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) là 39,2 tỷ đồng; CTCP Dịch vụ hàng không Sân Bay Đà Nẵng (MAS) là 6,9 tỷ đồng …

Được biết, đây là nhóm cổ phiếu phụ trợ hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, cũng như làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhóm này trong giai đoạn cuối năm.

Trong kỳ, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 227,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn tăng từ 12,9% lên 14,8%.

Hoạt động kinh doanh phụ thuộc lớn vào ngành hàng không, vận tải

Kể từ năm 2017 tới 2019, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng về doanh số, giá trị nhưng có dấu hiệu suy giảm biên lợi nhuận theo thời gian. Cụ thể, biên lợi nhuận ròng nếu như năm 2017 là 30,3% thì tới 2019 chỉ còn 17,7%.

Được biết, năm 2019 doanh nghiệp ghi nhận tổng lợi nhuận gộp là 296,4 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ hàng hóa hàng không là 155,3 tỷ đồng, chiếm 52,4% tổng lợi nhuận gộp; lĩnh vực dịch vụ mặt đất hàng không đạt 53,5 tỷ đồng, chiếm 18% tổng lợi nhuận gộp; lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách đạt 49,9 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng lợi nhuận gộp; các lĩnh vực khác là 37,7 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng lợi nhuận gộp.

Như vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc khá lớn vào ngành hàng không, vận chuyển hàng hóa, cũng như vận tải. Đây là ngành chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam mới chỉ chịu tác động từ gián đoạn tuyến bay thương mại quôc tế, tuy nhiên làn sóng lây nhiễm thứ 2 trong những tuần gần đây đang gây nên những rủi ro về đường bay nội địa cũng có thể giảm mạnh tần suất vận tải.

Trước đây, nhu cầu đi lại được thúc đẩy chủ yếu bởi nhu cầu đi du lịch và các cuộc họp, cũng như sự kiện. Tuy nhiên, với đại dịch Covid-19, đặc biệt thành phố du lịch Đà Nẵng đang có diễn biến dịch phức tạp, điều này sẽ hạn chế nhu cầu đi du lịch trong một thời gian dài.

Trong khi đó, các cuộc họp đang có xu hướng dịch chuyển sang họp online, điều này chính là thách thức đối với doanh nghiệp phụ trợ ngành hàng không. Như vậy, thời điểm doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết trên sàn là thời điểm triển vọng ngành là thách thức và chưa rõ thời điểm hồi phục cụ thể.

Tuy nhiên, ngành hàng không được dự báo là ngành tăng trưởng trong những năm sắp tới.

Quá trình tăng vốn nhanh

Doanh nghiệp được thành lập năm 2010 tiền thân là CTCP Dịch vụ Bưu chính Interserco với định hướng phát triển dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế. Sau đó được đổi tên với định hướng phát triển 3 lĩnh vực là dịch vụ phục vụ hàng hóa hàng không; dịch vụ kho bãi; và dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ logistics khác.

Với vốn điều lệ ban đầu là 2,25 tỷ đồng, sau đó doanh nghiệp liên tục tăng vốn 11 lần, tính tới 23/04/2020 vốn điều lệ là 630,4 tỷ đồng. Trong đó, tháng 4/2020 đã nâng vốn điều lệ từ gần 558 tỷ đồng lên 630,4 tỷ đồng. Tính tới 12/05/2020, cơ cấu cổ đông chỉ có hai cổ đông lớn là CTCP Đầu tư và Tư vấn Long Thành sở hữu 6,48% vốn điều lệ và CTCP Giao nhận và kho vận Quốc tế sở hữu 8,89% vốn điều lệ.

Được biết, ngày 17/06/2020, HOSE đã chấp thuận cho ASG niêm yết hơn 63 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE.

Doanh nghiệp dự tính giá lên sàn là 36.000 đồng/CP, trong khi doanh nghiệp định ra giá cổ phiếu là 45.573 đồng/CP.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Chuẩn bị lên sàn, Tập đoàn ASG sức khỏe tài chính ra sao? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất