Tăng cường xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm trên các trang thông tin điện tử

DTVN 17:24 28/12/2020

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, thời gian qua, cơ quan này đã triển khai thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm về quảng cáo thực phẩm trên các trang thông tin điện tử.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, cơ quan này đã rà soát, kiểm tra và thực hiện xử lý các vi phạm hành chính với các lỗi vi phạm tập trung chủ yếu như: quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, lừa dối gây nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh cho người tiêu dùng; Quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung được xác nhận; Quảng cáo lợi dụng lời nói, hình ảnh của bác sỹ, dược sỹ, bệnh nhân để gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thiếu nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; Quảng cáo bình bú, vú ngậm nhân tạo, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi….

Cũng theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm, đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý hành chính với các mức phạt cụ thể. Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”.

Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Ảnh minh họa


Căn cứ Khoản 4 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: “quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.”

Căn cứ Điều 23 Khoản 1 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo”. Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm nhấn mạnh, hiện tại, Ban đang tập trung tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, xử lý và công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Vì vậy, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo đến người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi chọn mua các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm phải có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng và các thông tin liên quan đến tính năng, công dụng của sản phẩm.

Đồng thời, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các quy định về quảng cáo. Quảng cáo công dụng sản phẩm phải tuân thủ các nội dung đã được cho phép bởi cơ quan cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, không được phép ghi các nội dung khác bên ngoài nội dung cho phép, như là “có tác dụng điều trị bệnh”, “có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”….

Từ năm 2019 đến 06 tháng đầu năm 2020, các Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã thực hiện kiểm tra 195 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, phát hiện 27 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành 26 cơ sở với số tiền phạt 1.458.750.000 đồng.

Cụ thể, trong năm 2019 kiểm tra 105 cơ sở, vi phạm 22 cơ sở, xử phạt 1.279.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 03 cơ sở, buộc tháo gỡ quảng cáo 12 cơ sở, tiêu huỷ sản phẩm của 07 cơ sở. 06 tháng đầu năm 2020 kiểm tra 90 cơ sở, vi phạm 05 cơ sở, xử phạt 04 cơ sở với số tiền 179.750.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 01 cơ sở, buộc tháo gỡ quảng cáo 02 cơ sở, tiêu huỷ sản phẩm của 01 cơ sở.

Theo Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : http://vietq.vn/tang-cuong-xu-ly-vi-pham-quang-cao-thuc-pham-tren-cac-trang-thong-tin-dien-tu-d182178.html

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm trên các trang thông tin điện tử tại chuyên mục Thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thương mại điện tử
Tin tức mới nhất