Hàng Việt 'ra biển lớn' nhờ thương mại điện tử

MTĐT 08:48 06/10/2019

Cao Sao Vàng - một trong những thương hiệu Việt đã bất ngờ 'hot' trở lại vào năm 2017 khi được bán trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Amazon, Ebay với giá cao gấp nhiều lần.

Chắp cánh cho hàng Việt
Là chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chị Nguyễn Xuân Chiêu Hân, Tổng giám đốc, đồng sáng lập Andre Gift Shop cho biết, các sản phẩm thủ công “Made in Vietnam” rất được thị trường thế giới ưa chuộng. Cùng với các hình thức xuất khẩu truyền thống, năm 2013, Andre Gift Shop đã tìm thấy cơ hội đưa sản phẩm ra toàn thế giới với Amazon.

“Thời điểm đó, này, thương mại điện tử (TMĐT) chưa thật sự bùng nổ tại Việt Nam nhưng Amazon đã là cái tên được cả thế giới biết đến. Bằng cái “bắt tay” với Amazon, chỉ sau một thời gian ngắn, từ một cơ sở kinh doanh nhỏ, Andre Gift Shop đã phát triển mạnh, mở rộng quy mô sản xuất lên đến 300 m2 với 35 nhân viên. Doanh số từ Amazon hiện chiếm tới 50% trong bán hàng trực tuyến của công ty”, chị Nguyễn Xuân Chiêu Hân chia sẻ.

Ecomstone cũng là một trong những DN thủ công mỹ nghệ đã tận dụng thành công Amazon để “đem chuông đi đánh xứ người”, anh Tony Triệu, Chủ của Ecomstone nhớ lại, trước khi gây dựng Ecomstone, một công ty chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm thủ công “handmade”, anh từng có thời gian nhập hàng thủ công từ Trung Quốc về bán nhưng không bền do trục trặc về nguồn hàng, giấy tờ thủ tục phức tạp. Vốn từng có thời gian kinh doanh online trên kênh TMĐT, anh đã nảy ra ý tưởng bán hàng xuyên biên giới dựa trên kênh này và anh đã chọn Amazon. Dù thời điểm ban đầu có quá nhiều khó khăn khi DN nhỏ, vốn ít, non kinh nghiệm, thiếu kiến thức về thị trường quốc tế... Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, kiên trì học hỏi, Ecomstone dần khẳng định được uy tín với người tiêu dùng và đứng vững trên Amazon. Hiện 90% doanh thu của công ty đến từ Amazon.

Đó là hai trong số rất nhiều các DN Việt đã tận dụng hiệu quả TMĐT phục vụ cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng Việt ra thế giới. Đánh giá về hiệu quả của hình thức kinh doanh này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đánh giá, xu hướng bùng nổ của internet và các thiết bị điện tử đang tạo ra cơ hội lớn cho các DN Việt Nam trong việc tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới. TMĐT không chỉ hỗ trợ các DN vượt qua các rào cản địa lý để tìm kiếm khách hàng, mà còn giúp giảm bớt chi phí. Với lượng khách hàng khổng lồ, những kênh TMĐT như Amazon, Ebay… không chỉ là mảnh đất màu mỡ mà còn là cánh cửa cho các DN Việt vươn ra thị trường thế giới.

Theo phản hồi của các DN, sức hút của Amazon không chỉ đến từ lượng khách hàng tiềm năng mà còn từ dịch vụ hoàn thiện đơn hàng (FBA) khá hoàn hảo, giúp DN đơn giản hóa rất nhiều khâu trong việc bán hàng. Không chỉ đảm nhận việc đóng gói, vận chuyển các đơn hàng, đối soát, nhận và tổng hợp tiền thanh toán từ khách hàng… FBA còn hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, marketing, chăm sóc khách hàng. DN chỉ tập trung phát triển sản phẩm tốt nhất.

Amazon hiện có hơn 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, giúp hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực. Đó là lý do Amazon có thể giúp người bán ở nhiều quốc gia xuất khẩu sản phẩm xuyên biên giới một cách hiệu quả.

Nâng hiệu quả từ các kênh TMĐT
Hiệu quả xuất khẩu qua các kênh TMĐT đã rõ, nhưng chưa nhiều DN tận dụng được lợi thế này. Theo số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), hiện mới có khoảng 11% DN Việt Nam tham gia các sàn TMĐT, 35% DN lập được quan hệ với đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Con số này vẫn quá nhỏ so với hơn 700.000 DN đang hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ năng ứng dụng TMĐT còn hạn chế, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của DN chưa phát triển; gặp rào cản về ngôn ngữ; chưa biết đến các cách thức, công cụ marketing, quảng bá thương hiệu hiệu quả…

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt được ưa chuộng và nhiều tiềm năng xuất khẩu ra nước ngoài qua TMĐT.

Vì vậy, Bộ Công thương đang xây dựng chương trình hợp tác với các kênh TMĐT lớn nhằm giúp các DN có thể gây dựng thương hiệu riêng của mình và tiếp cận khách hàng, từ đó thúc đẩy các kênh bán hàng khác tới thị trường toàn cầu.

Cụ thể, trong chương trình hợp tác với Amazon thời gian qua, dựa trên các tiêu chí như kinh nghiệm xuất khẩu, năng lực TMĐT, trình độ nhân lực… Bộ Công Thương đã lựa chọn được 105 DN gia các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng, kỹ năng quảng cáo trên TMĐT… do chuyên gia của Amazon giảng dạy. Đến nay, trong số 105 DN được lựa chọn, đã có hơn một nửa DN thành công trong việc mở tài khoản bán hàng trên Amazon; 16 DN có sản phẩm trên trang website amazon.com; 14 DN đã thực hiện giao dịch thành công với người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Ông Vũ Bá Phú thông tin, từ những kết quả đó, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến xuất khẩu qua Amazon giai đoạn 2020 – 2021, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với Amazon hỗ trợ các DN xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các hoạt động cụ thể như hướng dẫn các DN vừa và nhỏ áp dụng và sử dụng "Amazon Brand Registry" 2.0 hoặc công cụ "Nội dung thương hiệu nâng cao" của Amazon. Đây là chương trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các DN trên Amazon. Cùng đó, phối hợp với Amazon lựa chọn những sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam bán chạy, có uy tín và đưa vào danh sách ưu tiên hiển thị trên Amazon. Thông qua các chương trình, sự kiện XTTM trong và ngoài nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Amazon tổ chức quảng bá cho DN tham gia chương trình có sản phẩm bán chạy trên Amazon, giúp những DNnày tiếp cận thêm các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Amazon sẽ hỗ trợ Cục XTTM và các tổ chức XTTM của Việt Nam mở gian hàng chung trên Amazon. Dự kiến, Cục XTTM sẽ thành lập một tài khoản bán hàng chung và lựa chọn một số DNcó sản phẩm phù hợp cùng sử dụng tài khoản này. Đây là cách thức giúp các DN vừa và nhỏ có cơ hội thực hành và rút kinh nghiệm trước khi tự đứng ra sử dụng tài khoản bán hàng độc lập của mình. Theo đó, mỗi gian hàng chung này sẽ là đại diện bán hàng cho hàng chục DN với hàng trăm sản phẩm.

Tuy số lượng DN bán hàng thành công trên Amazon chưa nhiều nhưng bước đầu các DN nhỏ và vừa Việt Nam đã thâm nhập được thị trường Hoa Kỳ thông qua TMĐT theo hình thức từ DN tới khách hàng (B2C). Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Amazon và Bộ Công Thương đặt ra từ những ngày đầu đàm phán. Trong tương lai, chương trình này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thành quả to lớn hơn cho DN Việt Nam.

Theo Báo Nhân Dân

Bạn đang đọc bài viết Hàng Việt 'ra biển lớn' nhờ thương mại điện tử tại chuyên mục Thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thương mại điện tử
Thương mại điện tử chính là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử khác. Các giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như: giao dịch, mua bán, thanh toán,...
Tin tức mới nhất