DongABank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm
Ngày 12/10 tới đây, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongABank) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. Trong trường hợp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 12/10 không đủ điều kiện tiến hành, HĐQT DongA Bank sẽ tiếp tục triệu tập cuộc họp lần hai vào ngày 17/10 và sẽ triệu tập cuộc họp lần ba vào ngày 22/10.
Đây được coi là tín hiệu mới sau 4 năm nhà băng này rơi vào trạng thái bị kiểm soát đặc biệt, cùng với đó DongABank không còn công bố công khai các báo cáo chi tiết về kinh doanh, kế toán.
Tại đại hội này, ngân hàng sẽ công bố báo cáo đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng tại thời điểm 31/12/2018 do Ernst & Young Việt Nam phát hành.
Tiếp đó, ngân hàng cũng sẽ công bố quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giá trị thực vốn điều lệ, quỹ dự trữ và mức vốn cần được bổ sung để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định đối với DongABank.
Nội dung quan trọng trong cuộc họp lần này chính là phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ mà ngân hàng trình lên lấy ý kiến của cổ đông.
Tờ trình nêu rõ, theo số liệu đã kiểm toán của EY, tính đến ngày 31/12/2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongABank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm, do đó để đảm bảo ngân hàng có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỷ, ngân hàng phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ.
Căn cứ tình hình hiện nay, DongABank chỉ có thể thực hiện tăng vốn từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ, nhưng do thua lỗ trong năm trước, ngân hàng này chỉ có thể phát hành riêng lẻ.
Với phương án này, DongABank dự kiến chào bán đủ số lượng cổ phần để đảm bảo mục tiêu trên với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần cho dưới 100 nhà đầu tư, ưu tiên phát hành cho cổ đông hiện hữu. Số lượng cổ phần phát hành mới không được công bố chi tiết trong tờ trình. Cổ phần chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Trường hợp cổ đông hiện hữu đăng ký mua cổ phần không đủ số lượng chào bán theo phương án này, DongA Bank sẽ phát hành cho các nhà đầu tư bên ngoài đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
|
Sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt, DongABank bất ngờ chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn chủ sở hữu âm |
Chỉ chào bán cổ phần riêng lẻ
Lãnh đạo DongA Bank cho biết, căn cứ vào tình hình hoạt động của ngân hàng hiện nay, DongA Bank chỉ có thể thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, DongA Bank không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chung cho cổ đông hiện hữu được vì không đáp ứng các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng quy định tại khoản1 Điều 12 Luật Chứng khoán 2006 (Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán).
Do đó, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ. Nhưng phát hành theo hình thức này cũng chỉ chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp), không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.
Đồng thời, nhà đầu tư mua cổ phần của đợt chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu một năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng cổ phần đã chào bán của cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Hiện DongABank có 500 triệu cổ phần, tương đương vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, nhưng bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015.
Một loạt lãnh đạo cấp cao DongA Bank bị khởi tố Trước đó, vào năm 2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giam bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (59 tuổi) - nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo cơ quan điều tra, bà Xuyến là Phó Tổng Giám đốc DongA Bank kiêm Thành viên HĐQT từ năm 1997. Đến tháng 9/2015, Ngân hàng Nhà nước công bố kết luận thanh tra, quyết định kiểm soát đặc biệt với nhà băng này và bà Xuyến bị đình chỉ chức vụ. Nhà chức trách cáo buộc bà Xuyến làm thiệt hại cho DongA Bank hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, bà bị cho là lợi dụng chức phó tổng giám đốc, cùng cấp dưới "phù phép" tất toán khống bỏ túi 150 tỷ đồng. Với số tiền còn lại, bà phải chịu trách nhiệm do sai phạm, khiến ngân hàng không thể thu hồi. Vào cuối năm 2016, ông Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc DongA Bank) và cựu lãnh đạo cao cấp khác của ngân hàng này cũng bị khởi tố về hành vi “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” - nguồn VNE. |
Theo Đất việt