Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank, lại một lần nữa khẩn thiết đề xuất về vấn đề tăng vốn, đây là một trong những bài toán khó của VietinBank tại thời điểm hiện tại.
VietinBank là ngân hàng duy nhất trong nhóm nhà băng quốc doanh chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn
Trong nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước hiện tại, VietinBank là ngân hàng duy nhất vẫn đang tìm lời giải cho bài toán tăng vốn. Trong đó:
Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã CK: BID) vừa thông qua phương án phát hành 15% cổ phần cho đối tác chiến lược KEB Hane Bank, với giá trị gần 20.300 tỷ đồng. Thương vụ cũng đánh dấu việc BIDV tìm được "đầu ra" cho câu chuyện tăng vốn điều lệ sau gần 5 năm.
|
VietinBank là ngân hàng duy nhất trong nhóm nhà băng quốc doanh chưa tìm được lời giải cho bài toán tăng vốn |
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đầu năm 2019, cũng phát hành lô cổ phần đầu tiên trong kế hoạch tăng vốn thêm 10% đã được phê duyệt.
Hiện tại, hai "ông lớn" cổ phần khác là Vietcombank và BIDV đã được duyệt áp dụng chuẩn Basel II. Cả BIDV và Vietcombank trong đợt tăng vốn đầu năm nay đều phụ thuộc vào vốn ngoại. Vietcombank phát hành cho cho cổ đông chiến lược Mizuho và quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC), còn BIDV dự kiến phát hành cho ngân hàng Hàn Quốc.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể thiếu hụt vốn gần 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh có thể cần tăng vốn nhiều hơn, bởi cơ sở vốn duy trì mức thấp nhiều năm.
Tỷ lệ an toàn vốn xuống gần ngưỡng cảnh báo. Bài toán tăng vốn nào cho VietinBank?
Khác so với các ngân hàng trên, dư địa tăng vốn của VietinBank có phần "khiêm tốn" hơn. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng đã xuống dưới 65%, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép.
Việc tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài với VietinBank là điều không thể thực hiện, theo những quy định hiện nay.
Với room ngoại đã đầy, phương án tăng vốn khả dĩ nhất hiện tại của VietinBank là tăng vốn nhờ nguồn lợi nhuận để lại.
Tuy nhiên, ông cho rằng nguồn tăng vốn từ lợi nhuận để lại hàng năm chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu vốn cần thiết của VietinBank. Do đó ngay sau được Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, VietinBank sẽ tiếp tục đề xuất phương án tăng vốn mới.
"Chúng tôi đã có những phương án rất cụ thể và có tính khả thi và đề nghị Chính phủ phê chuẩn để VietinBank có đủ năng lực tài chính phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội", ông nói.
Không tăng được vốn điều lệ, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã xuống gần ngưỡng cảnh báo, thậm chí nếu tính theo Basel II thì đã xấp xỉ ngưỡng thấp nhất. Hệ quả là ngân hàng khó có thể mở rộng hoạt động.
Trong nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của VietinBank chỉ đạt 2,4%, so với BIDV tăng 7,7%, còn Vietcombank tăng 10%.
Nếu muốn tăng vốn, VietinBank còn hai phương án khả dĩ nhất là phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc chờ cơ quan quản lý điều chỉnh về trần sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, ở phương án thứ hai, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, thay đổi trong trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) cần phải được luật thông qua, do đó sẽ tốn nhiều thời gian.
Phương án khả quan nhất còn lại là tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, khi câu chuyện giữ lại lợi nhuận trả cổ tức nhiều năm nay còn vướng ở ngân sách, thì việc cổ đông Nhà nước có thể tham gia đợt phát hành được hay không lại là vấn đề khác. Nhưng phương án vẫn có thể thực hiện nếu có đơn vị thay thế cổ đông Nhà nước.
VietinBank từ đầu năm 2019 đã thực hiện nhiều đợt phát hành trái phiếu dài hạn để bổ sung vốn cấp hai. Gần nhất, nhà băng này thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu với quy mô 500 tỷ đồng, nâng tổng lượng trái phiếu phát hành từ đầu năm đến nay lên 650 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo quy định, dư địa tăng vốn cấp hai bị khống chế bởi quy mô vốn cấp một. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp trái phiếu có thể chỉ là bước đi tình thế của ngân hàng để giải quyết một phần khó khăn trong ngắn hạn.
Theo đại diện SCIC, nếu VietinBank chọn tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu nhưng ngân sách không bố trí được vốn để tham gia, SCIC có thể "thế chỗ" cổ đông Nhà nước. "Quyết định này vừa đảm bảo VietinBank có thể tăng vốn thành công, vừa phù hợp với định hướng đầu tư của SCIC", ông ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nói.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ