Dự phòng rủi ro tín dụng đột biến 'kéo' lùi lợi nhuận quý IV của VIB, nợ xấu tăng 48%

DTVN 06:49 29/01/2024

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp gần 5 lần là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của VIB giảm 14% về mức 2.378 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB, mã VIB, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với thu nhập lãi thuần ở mức 4.333 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Các mảng kinh doanh khác đều ghi nhận tăng trưởng, đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối đêm về 244 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 51,7 tỷ đồng. Tương tự, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng có lãi hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 97 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng đột biến hơn 4 lần lên mức 374 tỷ đồng.

Doanh thu tăng kéo theo tổng chi phí tăng 13% lên mức 1.770 tỷ đồng. Dù vậy, VIB vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 30% lên mức xấp xỉ 4.072 tỷ đồng.

Đáng nói, trong kỳ, VIB tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp gần 5 lần lên mức hơn 1.693 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2023 giảm 14% về mức 2.378 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 17.360 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả năm tăng gấp 3,7 lần, lên mức 4.846 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế tăng rất nhẹ đạt 10.703 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của VIB đạt trên 409.880 tỷ đồng, tăng 1,1 lần so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng gấp đôi lên 56.382 tỷ đồng; còn cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm gần một nửa còn 11.815 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 14,5% đạt 262.074 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tiền gửi và vay các TCTD khác tăng 38% đạt 98.639 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 18% đạt 236.577 tỷ đồng, riêng tiền gửi có kỳ hạn chiếm tới 204.958 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tại thời điểm 31/12/2023 ở mức 8.417 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 63%, nợ nghi ngờ tăng gấp đôi còn nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của VIB bị đẩy từ mức 2,45% lên tới 3,14%.

Chất lượng nợ vay của VIB

Trong một diễn biến khác, VIB vừa có thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông năm 2024 vào ngày 26/2/2024. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/2/2024. Dự kiến ĐHĐCĐ VIB tổ chức vào tháng 3/2023 tại TP.HCM.

Trước đó, VIB đã quyết định chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 19/1, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến ngày 21/2/2024.

Link gốc : https://antt.nguoiduatin.vn/du-phong-rui-ro-tin-dung-dot-bien-keo-lui-loi-nhuan-quy-iv-cua-vib-no-xau-tang-48-8753.html

Bạn đang đọc bài viết Dự phòng rủi ro tín dụng đột biến 'kéo' lùi lợi nhuận quý IV của VIB, nợ xấu tăng 48% tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất