|
VPBank khuyến cáo người dùng không tiết lộ mã OTP cho bất kỳ ai, dù người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, công an, toà án hay người quen... Ảnh: Lê Tiên. |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa gửi khách hàng cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng. Theo VPBank, thời gian gần đây, ngoài việc tấn công người dùng Internet banking, tội phạm bắt đầu chuyển hướng sang khách hàng chưa sử dụng Internet banking. Lợi dụng khách hàng chưa để ý và quen thuộc với OTP, chúng dụ dỗ, dọa nạt khách hàng cung cấp thông tin này để ăn cắp tiền.
Do đó, VPBank khuyến cáo người dùng không tiết lộ mã OTP cho bất kỳ ai, dù người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, công an, toà án hay “người quen”... (kể cả khi kẻ gian đã chuyển một số tiền “trúng giải” cho bạn và báo sẽ chuyển số còn lại sau khi gửi OTP cho chúng).
Ngoài ra, VPBank khuyến cáo khách hàng giữ kín các thông tin cá nhân khác như số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số thẻ tín dụng, số điện thoại và email. Không truy cập các trang web lạ và cung cấp thông tin cá nhân.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa gửi khách hàng khuyến nghị nâng cao cảnh giác với một số thủ đoạn lừa đảo mới. Đối tượng lừa đảo có thể mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là các dịch vụ ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.
Đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Hoặc khi khách hàng làm thủ tục vay tiền trên mạng, đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng để hoàn tất thủ tục vay.
Để đảm bảo an toàn, Vietcombank khuyến cáo khách hàng một số nội dung. Đó là luôn giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử và thông tin thẻ, tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ ai thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào. Không lưu thông tin bảo mật ngân hàng điện tử và thẻ trên các thiết bị điện tử và các website cũng như dưới bất kỳ hình thức nào.
Bình luận về các thông tin cảnh báo này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, việc cảnh báo của các ngân hàng là cần thiết và phải thực hiện thường xuyên, bởi lẽ, khi công nghệ càng phát triển mạnh mẽ, khối lượng và giá trị giao dịch ngày càng lớn thì rủi ro gian lận càng cao. “Tuy nhiên, có những cảnh báo rất không hợp lý như yêu cầu khách hàng giữ kín số thẻ căn cước, số điện thoại và email. Đây là những thông tin không thể giữ kín được. Điều này cho thấy một số cảnh báo mang tính chất cho đủ thủ tục”, ông Đức nói.
Từ góc độ khác, theo vị luật sư này, nếu ngân hàng áp dụng công nghệ bảo mật tốt, nhân viên ngân hàng làm việc có trách nhiệm thì sẽ giảm được rất nhiều rủi ro trong giao dịch ngân hàng. Ngược lại, nếu công nghệ bảo mật tốt nhưng nhân viên ngân hàng làm việc không hết trách nhiệm, khâu kiểm soát lỏng lẻo thì các đối tượng gian lận có thể lợi dụng những kẽ hở này để lừa đảo. Trong trường hợp lỗi sai thuộc về ngân hàng thì ngân hàng nên nhanh chóng khắc phục hậu quả và bồi thường thỏa đáng cho khách hàng, nhưng thực tế hiện nay, ít ngân hàng tích cực trong việc nhận lỗi và bồi thường.
Đáng chú ý, ông Đức nhấn mạnh: “Không ít trường hợp, việc lừa đảo xuất phát từ chính nhân viên ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần chú trọng đến việc nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ, kiểm soát quy trình giao dịch chặt chẽ mới có thể góp phần ngăn chặn các gian lận này. Khách hàng có thể làm sai, có thể đòi hỏi linh hoạt, nhưng ngân hàng bắt buộc phải làm đúng và không được phép lách quy định”.
Theo Báo Đấu thầu