Agribank vừa chính thức công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất năm 2020. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Agribank là 10.382 tỷ đồng, giảm 4,7% so với năm 2019, trong khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự tăng 6%, đạt 112 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối năm, ngân hàng có 1,08 triệu tỷ đồng tiền gửi của cá nhân, tổng lượng tiền gửi không kỳ hạn là 150,844 nghìn tỷ đồng.
Năm 2020, Agribank chi 13.610 tỷ đồng cho nhân viên (bao gồm lương, phụ cấp, các khoản chi đóng góp theo lương, chi trợ cấp, đồng phục,…), tăng nhẹ 0,67% so với năm trước. Như vậy, ngân hàng sẽ trích khoảng 3.400 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế của năm 2020 cho quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Trong số hơn 13.600 tỷ đồng chi cho nhân viên trong năm qua, có tới 11.824 tỷ đồng chia trả trực tiếp cho nhân viên thông qua lương và phụ cấp (tăng 1,5%).
Tại ngày 31/12/2020, Agribank có tổng số CBNV lên tới 37.738 người, tăng 233 người so với năm trước.
|
Ngân hàng chi 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự phòng tài chính; 25% cho quỹ đầu tư phát triển.
Căn cứ theo quyết định của Hội đồng thành viên và phê duyệt của NHNN, Agribank cũng sẽ trích lợi nhuận sau thuế của năm 2020 cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho nhân viên với mức chi tối đa 3 tháng lương thực hiện.
Như vậy, thu nhập bình quân mỗi nhân viên Agribank trong cả năm 2020 là 313,324 triệu đồng/năm, tăng khoảng 6.000.000 đồng/người. Thu nhập bình quân mỗi tháng của CBNV ngân hàng này là 26,11 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, Agribank đã chi tới hơn 4.500 tỷ đồng cho hoạt động quản lý công vụ. Trong đó, hơn 1.965 tỷ đồng chi cho các hội nghị, lễ tân, khánh tiết.
Hơn 626 tỷ đồng được Agribank chi cho vật liệu văn phòng, xăng dầu; hơn 576 tỷ đồng chi cho điện, nước, vệ sinh cơ quan; hơn 717 tỷ đồng chi xuất bản tài liệu, tiếp thị,… Những khoản chi này nâng tổng chi phí hoạt động của ngân hàng lên hơn 25 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.
Hiện tại Agribank còn 5 công ty con gồm: Công ty Cho thuê tài chính I Agribank, vốn điều lệ 172 tỷ đồng do ngân hàng nắm 100% vốn điều lệ; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Agribank, vốn điều lệ 288 tỷ đồng do ngân hàng nắm giữ 100% vốn; Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank, vốn điều lệ 30 tỷ đồng do ngân hàng nắm giữ 100%; Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank, vốn điều lệ 1.251 tỷ đồng, ngân hàng nắm giữ 75,21%; Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank, vốn điều lệ 195,840 tỷ đồng do ngân hàng nắm giữ 52,93%.
Vì sao Agribank mãi chưa cổ phần hóa?
Trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay, chỉ còn mỗi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chưa cổ phần hóa. Nhìn vào 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đã cổ phần hóa thành công, thị trường càng trông đợi vào Agribank.
Được biết, Agribank là một trong số các doanh nghiệp Nhà nước nằm trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Theo đó, ngân hàng này sẽ được cổ phần hóa và Nhà nước chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hoá hay bán vốn chiến lược của Agribank đã lỡ hẹn hạn chót năm 2020.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Agribank đạt trên 1,57 triệu tỷ đồng - cao nhất trong hệ thống TCTD. Nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,21 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2020 đạt gần 13.000 tỷ đồng, cao thứ 4 trong hệ thống.
Agribank tiếp tục phát huy vai trò là ngân hàng chính cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp khi tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn chiếm xấp xỉ 70% dư nợ cho vay của ngân hàng này và chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, công cuộc xử lý nợ xấu của ngân hàng này đạt được những kết quả ấn tượng. Năm 2019, ngân hàng đã mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC. Agribank là cũng một trong những ngân hàng đạt kết quả xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 lớn nhất trong hệ thống, đạt 186% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh và kiểm soát dưới 2% trong nhiều năm liền.
Theo xếp hạng của Brand Finance, Agribank là ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời đứng thứ 173 trên toàn cầu. Tạp chí The Asian Banker cũng xếp hạng Agribank đứng thứ 136 ngân hàng lớn khu vực châu Á (tăng 6 bậc so với năm 2019).
Dù vậy, Agribank còn gặp nhiều cản trở trong việc mở rộng tín dụng những năm tới. Mặc dù quy mô tài sản đứng đầu hệ thống nhưng vốn điều lệ của Agribank đang ở mức rất thấp. Cuối năm 2020, vốn điều lệ của Agribank chỉ đứng ở mức hơn 30.400 tỷ đồng.
Do không được tăng vốn nhiều năm liền nên từ vị thế đứng đầu hệ thống, vốn điều lệ của Agribank đã tụt xuống cuối cùng trong nhóm Big4 và thậm chí còn thấp hơn ngân hàng tư nhân Techcombank. Điều này khiến ngân hàng khó đảm bảo chỉ số an toàn vốn, đồng thời làm hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong một lần chia sẻ với chúng tôi hồi giữa năm 2020, lãnh đạo Agribank cho biết, theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thời điểm 31/12/2019 chỉ đạt 7,3%; thời điểm 31/3/2020 chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).
Agribank là đang ngân hàng 100% thuộc sở hữu của Ngân hàng Nhà nước nên một khi chưa cổ phần hóa, ngân hàng chỉ có thể trông đợi tăng vốn từ nguồn ngân sách