Theo kết luận của cơ quan thanh tra giám sát, Grab đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với việc đăng ký khoản vay nước ngoài.
Trong đó, công ty này đã không tuân thủ quy định về thời hạn gửi hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài với khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn, và còn dư nợ gốc tại thời điểm 1 năm từ ngày rút vốn đầu tiên. Số tiền Công ty TNHH Grab bị phạt là 120 triệu đồng tiền mặt và là mức phạt trung bình của khung tiền phạt được quy định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời hạn 10 ngày từ khi nhận được quyết định xử phạt, Grab phải nộp tiền vào tài khoản Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội. Nếu quá thời hạn mà công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Đây không phải lần đầu tiên Grab bị cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng xử phạt về hành vi vi phạm trên. Đây là lần thứ 2 từ đầu năm Grab bị cơ quan quản lý xử phạt với cùng một nội dung vi phạm.
Trước đó, vào tháng 5/2019, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt với cùng hành vi vi phạm tương tự của Grab. Số tiền phạt khi đó cũng là 120 triệu đồng.
|
Ảnh minh họa |
Cũng liên quan đến công ty này, hồi cuối năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng sau 8 tháng điều tra về thương vụ Grab mua lại Uber đã đi đến kết luận Grab vi phạm cả hai hành vi về tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh tại Việt Nam.
Ngay sau đó, đại diện Bộ Công Thương cho biết Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh đã ký quyết định về việc thành lập Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan hành vi tập trung kinh tế của Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam. Hội đồng được thành lập sau khi đơn vị này tiếp nhận hồ sơ điều tra từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công Thương) và căn cứ Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Theo Zing.vn, đại diện Grab cho biết, giống như một số doanh nghiệp khác đang hoạt động tại Việt Nam, trong quá trình kinh doanh công ty cũng phải huy động vốn vay từ nước ngoài.
Khi thực hiện vay vốn nước ngoài công ty này đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên, hồ sơ gia hạn khoản vay hoàn chỉnh bị chậm so với quy định dẫn tới việc bị xử phạt trước đó.
Grab hiện là ứng dụng đặt xe và giao đồ ăn có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến tháng 9, hãng nghiên cứu ABI cho biết, ứng dụng này đang chiếm 73% thị phần gọi xe với 146 triệu chuyến trên cả nước. Số thị phần của Grab vượt xa các đối thủ khác như Be với 16% và Go-Viet với 10%...
Chiếm đa số thị phần nhưng Grab Việt Nam liên tục hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Trong 3 năm 2014-2016, Grab đã lỗ tổng cộng 938 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế tiến hành thanh tra Grab và xử lý, truy thu gần 3 tỷ tiền thuế, giảm lỗ công ty 56,6 tỷ đồng.
T.Hường/Sở hữu Trí tuệ