Tác giả Nam Minh - Thời báo Ngân hàng dẫn Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam do hai quỹ đầu tư mạo hiểm Cento Ventures và ESP Capital công bố gần đây, chỉ trong vòng 2 năm, Việt Nam đã phát triển từ một hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động, đứng áp chót trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Lượng vốn đầu tư và số lượng giao dịch công nghệ được thực hiện đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn nửa đầu năm 2017 đến nửa đầu năm 2019. Cụ thể, báo cáo cho thấy các công ty khởi nghiệp đã huy động được tổng cộng 246 triệu USD trong nửa đầu năm 2019, tăng mạnh so với mức 166 triệu USD của cùng kỳ năm 2018.
|
Trong đó, ba khoản đầu tư lớn nhất, bao gồm Tiki, VNPay và VNG, đã chiếm tới 63% tổng số vốn tài trợ. Xét về lĩnh vực được rót vốn, các doanh nghiệp liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số như thương mại điện tử và thanh toán chiếm gần 60% đầu tư. Các công ty đang tham gia nhiều lĩnh vực (như VNG, Tiki) chiếm được 12% vốn, trong khi các lĩnh vực mới nổi như fintech, bất động sản và hậu cần chỉ mới bắt đầu đón đầu tại Việt Nam, cùng nhau chiếm 10% tổng vốn. “Lần đầu tiên năm 2018 và 2019 chứng kiến một làn sóng khởi nghiệp mới tại Việt Nam với quy mô vốn huy động tăng từ 50 triệu USD lên 100 USD. Nếu xu hướng này phát triển, nhiều công ty Việt Nam có thể đạt mức 500 triệu USD và cuối cùng là định giá 1 tỷ USD trong những năm tới”, Báo cáo nhận định.
Bên cạnh sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để các quỹ mạo hiểm mạnh dạn đầu tư như dân số vàng, thu nhập gia tăng nhanh... thì rủi ro từ sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các khu vực khác có tiềm năng hơn, trong đó nổi lên cái tên Đông Nam Á.
“Các nhà đầu tư đang bỏ tiền vào các công ty mạo hiểm của khu vực này để tận dụng các cơ hội ngoài Hoa Kỳ và Trung Quốc”, ông Alex Schmitz - người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Quỹ Capstone Partners cho biết.
Xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư mạo hiểm là cơ hội để các doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam tận dụng, đặc biệt trong các ngành liên quan nằm trong tiến trình của cuộc cách mạng 4.0. Có thể kể thêm một số thương vụ đáng chú ý gần đây là Startup y tế Med247 nhận được koản đầu tư không được tiết lộ từ KK Fun - một nhà đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư cho các startup trong lĩnh vực di động và internet ở Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan.
Hay bất động sản công nghệ Rever tiếp tục nhận được cam kết rót 2,3 triệu USD từ quỹ GEC-KKP. Nhưng sẽ có nhiều việc cần làm để dòng vốn đầu tư mạo hiểm tiếp tục sinh sôi. Đặc biệt do là một thị trường đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển, hầu hết các doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam đều gặp phải các vấn đề về năng lực quản trị theo các thông lệ quốc tế.
Việc thiếu vắng một hệ sinh thái rộng lớn cũng là hạn chế. Theo ông Michale Lint - Giám đốc của Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate, để hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam thực hiện động lực này một cách bền vững, Chính phủ nên chủ động khởi xướng các dự án quy mô nhỏ để làm việc với các công ty khởi nghiệp, thậm chí mô phỏng cơ chế sandbox của Singapore để thúc đẩy đổi mới fintech.
Giáo dục cho doanh nhân cũng là chìa khóa để hình thành một nhóm tài năng lớn hơn cho hệ sinh thái Việt Nam.
“Lần đầu tiên, rất nhiều doanh nhân trẻ có thể làm điều đó, họ cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các doanh nhân giàu kinh nghiệm, các công ty làm việc với các công ty khởi nghiệp để giúp những doanh nhân này vượt qua giai đoạn đầu tiên”, ông Lints nhận định. Một tin vui đến cho cộng đồng startup Việt là mới đây, hãng truyền thông Mỹ US News & World Report đã công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay.
Trong đó, Việt Nam vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia và Singapore để xếp thứ 8, tăng từ vị trí 23 của năm ngoái.