Chuyên gia ADB nói gì về phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính toàn cầu?

Mai Hương 15:13 18/11/2019

Theo ông Donald Lambert, Chuyên gia cấp cao của ADB, thì TP. HCM có tiềm năng đi theo mô hình của các trung tâm tài chính toàn cầu trên thế giới.

Cụ thể, ông Donald Lambert, Chuyên gia cấp cao của ADB về phát triển khu vực tư nhân cho rằng với những cải cách quan trọng về tài chính, TP. HCM có tiềm năng đi theo mô hình của Tokyo, Thượng Hải, Mumbai và các trung tâm tài chính toàn cầu khác.

Donald Lambert cho rằng cần phải làm gì để TP. HCM trở thành trung tâm tài chính toàn cầu?

Theo Vietnamfinance, Donald Lambert cũng đã đề xuất 4 giải pháp để TP. HCM tham khảo nhằm hiện thực hoá khát vọng táo bạo này.

Thứ nhất là khung pháp lý toàn diện. Các nhà đầu tư quốc tế cần luật pháp rõ ràng, có thể dự đoán được. Việt Nam hiện có một số luật quan trọng cần được sửa đổi hoặc ban hành, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng và Luật về quan hệ đối tác công tư (PPP) để thu hút thêm đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước, ngân hàng và phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Donald Lambert, Chuyên gia cấp cao của ADB.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng vững chắc cho thị trường. Các nhà đầu tư bị thu hút vào những thị trường mà họ có thể giao dịch hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Việt Nam đang tụt lại trong một số lĩnh vực quan trọng. Thời gian thanh toán (T+) vẫn đang trong quá trình cải thiện. Các quy định liên quan đến nghiệp vụ bù trừ ở Việt Nam chưa đạt chuẩn thế giới, buộc các ngân hàng nước ngoài phải giữ lại lượng vốn lớn để phòng ngừa rủi ro.

Ngoài ra, Việt Nam không có đường cong lãi suất chuẩn ngắn hạn theo thị trường - nền tảng cho rất nhiều thành phần khác của thị trường vốn hiện đại.

Thứ ba là chính sách tiền tệ độc lập. Nhà đầu tư muốn các quyết định chính sách tiền tệ phải được thực hiện với một mức độ độc lập nhất định. Điều này bao gồm tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái, lãi suất liên ngân hàng ổn định và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ tư là cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Việt Nam đã cam kết thực hiện các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính về chống rửa tiền và chống lại việc tài trợ cho khủng bố. Đây là những yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch an toàn tại thị trường trong nước.

Ông nhắc đến câu chuyện Dubai đã trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế thế giới như New York hay London như thế nào. Và ông cho rằng ý chí chính trị của UAE là đặc biệt.

Năm 2004, UAE đã sửa đổi Hiến pháp để cung cấp khuôn khổ pháp lý mà một trung tâm tài chính toàn cầu phải có. Cuối cùng, UAE đã sẵn sàng chi tiêu, đầu tư để thay đổi thể chế chính sách, lương cho người nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng và ưu đãi thuế.

Theo ông Donald Lambert , cách tiếp cận tốt hơn cho hầu hết các quốc gia muốn xây dựng trung tâm tài chính toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam là phải tập trung vào việc trở thành một trung tâm tài chính quốc gia trước tiên.

Hơn nữa, Việt Nam lại có nhu cầu đầu tư khổng lồ. Riêng về cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư hằng năm ước tính cần khoảng 18 tỉ đến 20 tỉ USD. Nếu TP.HCM có thể trở thành một đơn vị trung gian ngày càng hiệu quả sẽ không chỉ thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thực của Việt Nam, mà còn tăng cường các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để chuyển đổi từ một trung tâm tài chính quốc gia thành một trung tâm tài chính quốc tế, theo motthegioi.

TP.HCM có thể bằng hoặc vượt trung tâm tài chính Đài Bắc trong vòng 15-20 năm nữa?

Theo thông tin từ motthegioi, trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã phân tích về khả năng TP.HCM có thể trở thành một trung tâm tài chính.

Theo ông, diễn biến bất lợi về chính trị đang làm lung lay vị trí của những trung tâm tài chính lớn của thế giới như Hong Kong, London. Trong khi đó, xu hướng hiện nay của các nhà đầu tư quốc tế là tìm kiếm cơ hội tại các trung tâm tài chính mới để hưởng nhiều ưu đãi.

TP.HCM có vị trí chiến lược khi nằm giữa hai khu vực kinh tế sôi động là Đông Nam Á và Đông Bắc Á, múi giờ không trùng với 21 trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Hiện nay, sân bay Long Thành dự kiến triển khai và Tân Sơn Nhất được mở rộng, thị trường chứng khoán sôi động với nhiều sản phẩm mới.

Đó có thể coi là những ưu điểm lớn của TP. HCM, cho thấy việc hiện thực hóa khát vọng biến TP. HCM thành trung tâm tài chính toàn cầu là hoàn toàn khả thi.

Đồng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng TP.HCM chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp cả nước, đóng góp một phần tư thu ngân sách, vốn huy động, dư nợ cho vay... nhưng tỷ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm khiến địa phương không còn động lực phát triển.

Các chính sách thuế và phí đều ở tầm quốc gia và chưa tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính.

Cũng theo ông Tự Anh, mục tiêu TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế có khoảng 20 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, trong khi Thượng Hải bắt đầu sau nhưng đã sớm về đích.

Do đó, chuyên gia này cho rằng nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là làm thế nào để thành phố có tên trong bản đồ xếp hạng trung tâm tài chính. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế như những năm qua, dự báo TP.HCM có thể bằng hoặc vượt trung tâm tài chính Đài Bắc trong vòng 15-20 năm nữa.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn//chuyen-gia-adb-noi-gi-ve-phat-trien-tphcm-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-toan-cau-d65141.html

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia ADB nói gì về phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính toàn cầu? tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Tin tức mới nhất