Với lượng tiền hiện có CIENCO4 hoàn toàn không đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ trong vòng 3 tháng.
Một đồng vốn, sáu đồng nợ
Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2019 của Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 cho thấy có nhiều điểm sáng trong tình hình tài chính của doanh nghiệp, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn có một số điểm đáng lo ngại.
Trong đó, đáng quan tâm nhất là các khoản cho vay ngắn hạn hiện đang gây áp lực rất lớn lên tình hình tài chính của tập đoàn này.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2019, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của CIENCO4 là 6 lần. Cụ thể, số dư nợ phải trả là 6.014 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu là 1.187 tỷ đồng. Nghĩa là trong cơ cấu nguồn vốn tỷ lệ là 1 đồng vốn thì 6 đồng nợ. Hệ số khả năng thanh toán tức thời là 0,045 lần. Cụ thể theo BCTC, số dư tiền và các khoản tương đương tiền là 139 tỷ đồng so với nợ ngắn hạn phải trả là 3.097 tỷ đồng.
Như vậy, với lượng tiền hiện có CIENCO4 hoàn toàn không đảm bảo được khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ phải trả trong vòng 3 tháng. Khả năng thanh toán tức thời của CIENCO4 phụ thuộc lớn vào việc thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn là 2.429 tỷ đồng. Trong đó tập trung tại các khoản cho vay ngắn hạn 1.165 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của CIENCO4 (mã CK: C4G) đã giảm mạnh trong 6 tháng qua từ mức 11.900 đồng/CP (ngày 8/4/2019) xuống còn 6.200 đồng/CP (ngày 04/10/2019), tương đương mức giảm 48% trong vòng 6 tháng, đã phản ánh phần nào lo ngại của thị trường chứng khoán về tình hình sức khỏe tài chính của CIENCO4.
|
Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2019, dư nợ phải trả của CIENCO4 là 6.014 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 1.187 tỷ đồng |
Thu lớn, trả nợ lớn
06 tháng đầu năm 2019, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CIENCO4 là 249 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 là âm 308 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do công tác thu hồi công nợ của CIENCO4 đạt kết quả tốt.
Dòng tiền từ các khoản phải thu đạt 505 tỷ đồng, trong khi khoản mục này ở cùng kỳ âm 278 tỷ đồng. Lưu chuyền tiền từ hoạt động đầu tư 78 tỷ đồng. Như vậy, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư trong kỳ của CIENCO4 đạt 327 tỷ đồng. CIENCO4 đã chủ yếu sử dụng dòng tiền dương trong kỳ để trả bớt nợ gốc vay dẫn đến lưu chuyển từ hoạt động tài chính âm 364 tỷ đồng (tiền thu từ đi vay 947 tỷ đồng, tiền trả nợ gốc vay âm 1.300 tỷ đồng).
Dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của CIENCO4 giảm từ 1.854 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2018 xuống còn 1.584 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2019. Số dư vay và nợ thuê tài chính dài hạn không có nhiều biến động trong kỳ, tại 30/6/2019 là 2.302 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2019, các khoản phải thu ngắn hạn của CIENCO4 là 2.429 tỷ đồng, giảm 453 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2018, chủ yếu do giảm khoản mục phải thu ngắn hạn của khách hàng (giảm 504 tỷ đồng từ 1.187 tỷ đồng xuống 683 tỷ đồng).
|
Số dư khoản cho vay đối với Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới còn 555 tỷ đồng |
Trong số các khách hàng có số dư lớn, khoản phải thu của Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui giảm mạnh từ 387 tỷ đồng xuống 73 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của Tài chính doanh nghiệp, tháng 7/2016, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui (Sumitomo Mitsui) – CIENCO4 đã trúng thầu Gói thầu 1a: Xây dựng (đoạn ngầm từ Km 0-132 đến Km0+615) trị giá gần 5.000 tỷ đồng thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM.
Tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng các khoản phải thu ngắn hạn của CIENCO4 vẫn ở mức rất cao, bằng 78% tài sản ngắn hạn và 33,7% tổng tài sản của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là CIENCO4 có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn lớn. Số dư tại thời điểm 30/6/2019 là 1.165 tỷ đồng, trong đó cho các công ty có liên quan vay tín chấp 858 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Riêng số dư khoản cho vay đối với Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới là 555 tỷ đồng. Được biết, đây là dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.700 tỷ đồng do công ty liên doanh của CIENCO4 thực hiện đầu tư từ năm 2014, và đã được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2017.
Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 được cổ phần hóa theo Quyết định số 49/QĐ-BGTVT ngày 09/01/2013 của Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2017, Tổng công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4, hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế đa ngành, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng các công trình giao thông, đầu tư các công trình hạ tầng, bất động sản…
Theo Việt Đặng/Tài chính Doanh nghiệp