Công cụ đánh giá chuỗi cung ứng bền vững mới được phát triển bởi Ngân hàng Standard Chartered giúp các doanh nghiệp giờ đây có thể đánh giá khả năng duy trì hoạt động hiệu quả và tính bền vững của chuỗi cung ứng, dựa trên việc so sánh với những công ty cùng ngành ở trong khu vực.
Chỉ số hoạt động chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp đánh giá được tình trạng hoạt động của mình và đưa ra các khía cạnh cần phải chú trọng để đạt được các mục tiêu đề ra.
|
Standard Chartered ra mắt công cụ mới để đánh giá chuỗi cung ứng bền vững |
Việc đánh giá được căn cứ theo 5 chỉ số: thân thiện với môi trường, sự minh bạch của các nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp hay các nhà cung cấp thứ cấp; sức khỏe tài chính, tính linh hoạt và khả năng thích ứng, và sự hợp tác cũng như tính kết nối trong suốt hệ sinh thái. Khách hàng có thể sử dụng kết quả này để xác định các điểm yếu và tìm kiếm giải pháp cũng như sự tư vấn từ Ngân hàng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh.
Các vấn đề nảy sinh từ đại dịch Covid-19 đã buộc các doanh nghiệp xem xét lại chuỗi cung ứng khi mà thế giới đang hướng tới xây dựng một nền kinh tế toàn cầu bền vững hơn. Công cụ này được phát triển dựa trên những chỉ số quan trọng của các chuỗi cung ứng bền vững và kết quả khảo sát gần 1000 công ty trên thế giới, tập trung vào khả năng duy trì hoạt động hiệu quả cũng như tính bền vững của các chuỗi cung ứng ở trong khu vực và trong các lĩnh vực khác nhau dựa trên 5 chỉ số nêu trên.
Mặc dù kết quả cuộc khảo sát chỉ ra rằng còn nhiều việc cần phải làm, các công ty tham gia khảo sát cho thấy một tinh thần sẵn sàng trong việc hợp tác với các tổ chức tài chính nhằm giải quyết những bất cập.
Cách tiếp cận đối với việc quản lý chuỗi cung ứng cần được mở rộng ra ngoài khía cạnh hiệu quả hoạt động, từ đó cải thiện tính linh động, năng lực tài chính, đồng thời quản lý được các rủi ro liên quan tới ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị).
Điều này bao gồm việc tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho các chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nhà cung cấp thứ cấp không có đủ nguồn lực tài chính; thực hiện các giao dịch tài trợ thương mại minh bạch hơn và an toàn hơn để đảm bảo hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng; và thúc đẩy việc áp dụng các phương thức hoạt động bền vững trong toàn chuỗi cung ứng.
Công cụ mới này được ra mắt sau khi các giải pháp hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững được triển khai hồi tháng 3/2021. Ngoài các sản phẩm tài trợ thương mại, Standard Chartered cũng cung cấp nguồn vốn tài trợ thương mại phi lợi nhuận cho các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của gói tài chính trị giá 1 tỷ USD nhằm đẩy lùi Covid-19 của ngân hàng triển khai từ tháng 3/2020.
Theo Chất lượng Việt Nam Online