Dự án trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (trụ sở Vinacomin) được xây dựng tại lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội. Sở hữu vị trí đất vàng quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội nhưng hiện tại, dự án Trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam (Trụ sở Vinacomin) mới chỉ xây dựng xong phần thô và gần như bất động suốt 3 năm qua.
|
Trụ sở nghìn tỷ trên đất vàng của Vinacomin 2 năm bất động |
Dự án này được phê duyệt năm 2012, có tổng mức đầu tư 3.771 tỷ đồng, quy mô gồm 35 tầng nổi, 2 tầng kỹ thuật và 5 tầng hầm. Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam.
Trên trang điện tử của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam cho biết, diện tích đất của dự án là 9442 m2. Chức năng và mục tiêu đầu tư công trình là nhằm đáp ứng văn phòng làm việc của Tập đoàn, văn phòng các đơn vị Vinacomin tại Hà Nội và đại diện các đơn vị khác ở các tỉnh, quảng bá thương hiệu Vinacomin và cho thuê văn phòng.
|
Phía bên trong công trường không có người thi công. |
|
Các hạng mục công trình bị phơi mưa phơi nắng dần xuống cấp theo thời gian. |
Theo giấy phép đầu tư do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cuối năm 2016, đầu 2017, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong mỏi lâu nay của thợ mỏ Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.
Dự án được khởi công vào ngày 20/01/2015 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/ 2018. Về tiến độ, dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, xin cấp phép đầu tư; giai đoạn 2 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; đã hoàn tất. Giai đoạn 3 thi công xây dựng. Tuy nhiên, hiện tại đã sắp bước sang quý IV/2019 mà dự án mới chỉ xây dựng xong phần thô.
Trụ sở của Vinacomin tại Hà Nội có tổng mức đầu tư 3.771 tỉ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của tập đoàn cho thấy chi phí xây dựng cơ bản tại dự án tính đến ngày 31/12/2018 mới khoảng 1.142 tỉ đồng. Trong bối cảnh Dự án "ngàn tỷ" trung tâm giao dịch than - khoáng sản Việt Nam đang "đắp chiếu" sau nhiều năm thì Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam cũng đang ngập trong nợ nần.
Tổng nợ đi vay ngắn hạn và dài hạn của Tập đoàn tại thời điểm cuối quý II đã lên đến 57.108 tỷ đồng, tức là gấp hơn 1,3 lần so với vốn chủ sở hữu. Khoản nợ vay của Vinacomin chủ yếu là nợ dài hạn trên một năm là 40.276 tỷ đồng, nợ dài hạn đến hạn trả là 4.846 tỷ đồng, vay ngắn hạn là 11.984 tỷ đồng.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ