Lối đi nào cho thị trường bất động sản năm 2020?

DTVN 11:01 30/12/2019

Năm qua là năm thị trường bất động sản vướng không ít tai tiếng điều đó đã khiến niềm tin của thị trường càng giảm, vậy năm 2020 thị trường bất động sản sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức nào?

3 kịch bản cho thị trường BĐS 2020

Việc hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; thủ tục cấp phép rườm rà; quy định về phát triển, giao dịch sản phẩm Condotel chưa rõ ràng; lòng tin của nhà đầu tư đang giảm sút… là những yếu tố tạo nên khủng hoảng của thị trường bất động sản trong năm vừa qua.

Vậy thị trường bất động sản năm 2020 sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức nào, đến nay các chuyên gia đã có nhiều kịch bản được đưa ra.

Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Kim Chung đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra với thị trường bất động sản 2020.

Kịch bản thứ nhất là kịch bản ổn định - kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất. Thị trường dự báo có đi lên nếu tình hình thế giới không biến động, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhưng nếu tình hình kinh tế xấu đi, vốn rút khỏi Việt Nam thì tình huống đi xuống của thị trường bất động sản mới có thể xảy ra.

Kịch bản thứ hai theo hướng tích cực khi tình hình kinh tế thế giới thuận lợi cho Việt Nam: các hiệp định ký kết giữa Việt Nam với các nước như CPTPP, EVFTA, AEC… triển khai tốt, dòng vốn chảy mạnh vào Việt Nam. Khi đó, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ diễn biến tốt.

Chuyên gia đưa ra 3 kịch bản cho thị trường BĐS 2020.

Kịch bản thứ ba theo hướng tiêu cực. Thị trường bất động sản sẽ biến động tiêu cực khi kinh tế thế giới diễn biến xấu, vốn rút khỏi Việt Nam. Dù khả năng xảy ra kịch bản này là rất thấp nhưng không phải là không thể.

Niềm tin của thị trường giảm

Cũng trao đổi về vấn đề này với Vnexpress, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản EZ Việt Nam cho rằng, khách hàng mua bất động sản gần đây đều đánh giá thị trường bất động sản đang rơi vào giai đoạn đáy của một chu kỳ. Do đó, nhà đầu tư sẽ không mặn mà với việc xuống tiền do khó sinh lời nhanh như kỳ vọng, còn những người mua để ở thì có tâm lý chờ đợi giá giảm.

Bên cạnh đó, theo ông, niềm tin của nhà đầu tư cũng lung lay khi tình trạng "dự án ma" nở rộ trong năm qua hoặc sự đổ vỡ trong những mô hình bất động sản mới. Tâm lý đó khiến thanh khoản trên thị trường có thể đi xuống, giá bán vì vậy khó tăng. Trong số các phân khúc, ông Toản cho rằng trong năm 2020, chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ gặp thách thức nhất.

Ngoài ra, tại diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần 2, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - ông Nguyễn Trần Nam cũng đã đưa ra 5 thách thức đối với thị trường Bất động sản năm 2020.

Thứ nhất, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ; Thứ hai những khó khăn về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới; Ba là, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn; Thứ tư là, gần đây, tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, tình trạng lừa đảo bán “dự án ma” trở nên phổ biến; Năm là, thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường bất động sản và những lo ngại về tính minh bạch của thị trường.

Doanh nghiệp cần phải vượt qua thách thức

Trước bối cảnh đó, trao đổi với Dân trí, theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Thị Thanh Hương, có 5 điểm lớn mà các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần làm tốt để vượt qua những thức thách sắp tới của năm 2020.

Thứ nhất, “doanh nghiệp cần nắm bắt xu thế phát triển và dẫn dắt nhu cầu”. Bất động sản là sản phẩm tổng hợp của nhiều ngành nghề khác nhau. Chính vì vậy bất động sản chịu ảnh hưởng bởi tốc độ và sự phát triển của các ngành nghề liên quan, trong đó công nghệ đóng một vai trò then chốt.

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Thị Thanh Hương

Thứ hai, “doanh nghiệp cần xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển trong dài hạn”. Cần xác định, bất động sản là một lĩnh vực đầu tư rất dài hạn do vòng đời sản phẩm dài.

“Nhanh thì 3-5 năm, lâu cũng lên đến 5-10 năm hoặc lên đến vài chục năm. Có những dự án phải mất đến gần cả đời người để đầu tư và phát triển. Đây là sản phẩm đặc thù và chịu sự chi phối của rất nhiều luật lệ cũng như thủ tục pháp lý phức tạp, hao tổn tiền bạc và thời gian đôi khi kéo dài không lường trước”, bà Hương chia sẻ.

Theo bà Hương, hiện có rất nhiều chủ đầu tư bị vướng vào điều này, thường không đủ kiên nhẫn chờ đợi, chỉ muốn đánh nhanh thắng nhanh lúc thị trường đang tốt dẫn đến vướng vào các vấn đề pháp lý không đầy đủ, dẫn đến sản phẩm không hoàn thiện. Nhiều trường hợp chủ đầu tư phải bỏ con giữa chợ, kiện tụng, tranh chấp kéo dài.

Thứ ba, cần có “giải pháp tài chính trong dài hạn”. Nguồn lực tài chính đổ vào bất động sản là nguồn lực khủng, không có chỗ cho kiểu làm ăn giật gấu, vá vai, chưa đi đến đích đã hết tiền giữa chừng dẫn đến tình trạng dự án dang dở, không đảm bảo cam kết với khách hàng, mất lòng tin, mất uy tín, thương hiệu. Khả năng quản trị tài chính của chủ đầu tư đảm bảo nguồn lực trong dài hạn là yếu tố sống còn trong việc đầu tư phát triển bất động sản.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ nhân sự nòng cốt đủ năng lực dẫn dắt một đội ngũ nhân viên năng động, sáng tạo, không ngừng phát triển và hiệu suất cao. Nhân sự cấp cao vẫn luôn là bài toán nan giải của các doanh nghiệp.

Việc thay đổi 1 vài vị trí nhân sự cấp cao sẽ ảnh hưởng mạnh đến đường lối, chính sách phát triển của cả một doanh nghiệp. Nhiều câu chuyện khủng hoảng doanh nghiệp xảy ra không phải do yếu tố bên ngoài mà chính là hê lụy của sự xáo trộn do biến động nhân sự cấp cao vẫn thường xảy ra.

Yếu tố thứ năm theo bà Hương, doanh nghiệp cần tập trung vào giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực. Bất động sản là sản phẩm có giá trị rất cao đáng giá cả một gia tài vì vậy không thể chấp nhận một kiểu đầu tư qua loa lấy lệ cho xong. Ngoài công năng sử dụng bất động sản còn có giá trị về văn hóa, lịch sử và không thiếu cả yếu tố nghệ thuật. Nhà đẹp là bộ mặt của gia chủ, của một địa phương, của một đất nước.

“Nhà đẹp bây giờ đã là không đủ mà còn bao gồm cả môi trường sống, không gian sống xanh, sạch, tiện nghi, an toàn. Một dự án bất động sản ngày càng phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trong khoảng 10 năm gần đây chất lượng các sản phẩm bất động sản đã được nâng lên rất nhiều. Không chỉ phân khúc cao cấp mà ngay cả phân khúc trung cấp cũng được cải thiện đáng kể về chất lượng sản phẩm và tiện ích dịch vụ”, bà Hương cho hay.

Theo Môi trường và Đô thị

Link gốc : https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/bat-dong-san/loi-di-nao-cho-thi-truong-bat-dong-san-nam-2020-a61813.html

Bạn đang đọc bài viết Lối đi nào cho thị trường bất động sản năm 2020? tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc
Tin tức mới nhất