Phù hợp với quy định luật Đất đai?
Thông tin từ Sở TN&MT TP Đà Nẵng ngày 20/9 cho hay qua rà soát, hiện có hai doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài được thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân trong nước tại 21 giấy chứng nhận.
Cụ thể, Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt được UBND TP cho thuê diện tích 20 ha đất cơ sở sản xuất, kinh doanh ven biển quận Ngũ Hành Sơn và hiện đang xây dựng công trình du lịch. Thời hạn thuê đất là 50 năm, đến ngày 21-6-2056.
Khu đất này án ngữ ngay mặt tiền sân bay Nước Mặn. Công ty này gồm bên Việt Nam (VN) là Công ty cổ phần Hoàng Đạt (góp vốn 10%), bên nước ngoài là Công ty TNHH Silver Shores, trụ sở tại Hoa Kỳ do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện (góp vốn 90%).
|
Vệt đất và nhà sát sân bay Nước Mặn nhìn từ trên cao. Ảnh: TẤN VIỆT. |
Một đơn vị khác là Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.Holiday. Đây là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48%, do cá nhân là Lijinan (đăng ký hộ khẩu thường trú tại Trung Quốc) nhận chuyển nhượng từ cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam với 20 lô đất đã được cấp giấy đỏ tại vệt khai thác quỹ đất 25 m dọc tường rào sân bay Nước Mặn vào thời điểm từ năm 2013 đến 2015.
"21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên do trước đây mảnh đất được cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam, nhưng quá trình khai thác, sử dụng người Trung Quốc đã dùng hình thức mua cổ phần, hoặc góp vốn để sau đó nhận chuyển quyền sử dụng đất", ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Ông Hùng cho biết thêm, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt trước đề tên người Việt Nam, trong phần ghi chú chuyển nhượng đứng tên công ty có vốn do người Trung Quốc góp. "Không có cá nhân người Trung Quốc đứng tên trên sổ đỏ".
Cũng trong ngày 20/9, Ông Mai Văn Phấn, Tổng Cục phó Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau khi nhận được thông tin từ báo chí Tổng cục đã cử một đoàn cán bộ vào Đà Nẵng để xác minh, một số hồ sơ liên quan đã được chuyển ra Hà Nội để kiểm.
"Sau khi xem xét có thể thấy là lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng đã hiểu sai bản chất. Pháp nhân trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn là một công ty đăng ký kinh doanh có pháp nhân Việt Nam. Nhưng theo luật Đầu tư và thực tế kiểm tra cho thấy trong các công ty đó có những thành viên, trong các thành viên có một đối tượng người nước ngoài chứ không phải giấy sử dụng đất mang tên người nước ngoài", ông Phấn nói.
Tuy nhiên, qua buổi làm việc, kiểm tra các hồ sơ pháp lý, các bên xác nhận việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với 2 doanh nghiệp có liên quan đến người Trung Quốc là phù hợp với quy định luật Đất đai.
|
Vệt đất phân lô dọc tường rào sân bay Nước Mặn. Ảnh: TẤN VIỆT. |
Người Trung Quốc năm quyền sử dụng đất là rất đáng lo ngại?
Thông tin 21 lô đất, khu đất người Trung Quốc nắm quyền sử dụng đất ven biển Đà Nẵng dù không trực tiếp đứng tên trên giấy đỏ khiến dư luận đặc biệt lo lắng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Cảnh Bôn, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thái Phiên (nơi sinh hoạt của cán bộ lãnh đạo, tướng tá về hưu tại Đà Nẵng), cho rằng thông tin 21 khu đất, lô đất người Trung Quốc nắm quyền sử dụng ven biển Đà Nẵng, sát tường rào sân bay Nước Mặn là rất đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng việc người Trung Quốc sử dụng đất mặt tiền biển ngay sân bay Nước Mặn như vậy là rất bất lợi.
“Không thể biết những người Trung Quốc góp vốn làm ăn kinh doanh thật hay có gì đằng sau đó, như thế rất bất lợi. Nên thu hồi luôn giấy đỏ của những người Việt Nam tiếp tay cho họ. Cần phải có chính sách dứt khoát cho chuyện này, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”, ông Loan nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Song, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Nẵng, việc cấp giấy đỏ như trên thực hiện theo đúng Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Tuy nhiên, về lâu dài phải tính toán quản trị lại.
|
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc người Trung Quốc nắm quyền sử dụng đất ven biển Đà Nẵng là rất đáng lo ngại. |
Cần lưu ý hình thức “lách luật”
Về mặt quy định pháp luật, Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho hay quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 thì cá nhân người nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
Có một số trường hợp theo luật định, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam nhưng cũng bị giới hạn, theo đó được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ. Việc sở hữu nhà ở ngoài phạm vi khu vực nêu trên của người nước ngoài là không được phép.
Lý giải kỹ hơn, Luật sư Lê Cao cho hay người Trung Quốc lách luật bằng cách thông qua việc bỏ tiền nhờ người Việt Nam mua đất, đứng tên. Sau đó người này góp vốn vào doanh nghiệp và quyền sử dụng đất trở thành tài sản của doanh nghiệp mà người Trung Quốc có góp vốn vào. Tiếp đó, người Việt Nam chuyển nhượng hết vốn góp cho người Trung Quốc.
“Đây là một hình thức lách luật mà chúng ta cũng cần lưu ý. Quyền sử dụng đất trong trường hợp này thực chất thuộc quyền của doanh nghiệp, nhưng nguy cơ ở chỗ doanh nghiệp đó do người Trung Quốc đứng tên trên lãnh thổ Việt Nam, do đó trong nhiều trường hợp nếu quản lý không tốt hoạt động cư trú, kinh doanh của các doanh nghiệp này thì dẫn đến họ lấy quyền của doanh nghiệp đối với các diện tích đất được sử dụng để có những hoạt động phi pháp”, Luật sư Cao phân tích.
Cũng theo Luật sư Lê Cao, câu chuyện trên không hiếm và cần có quy phạm đủ an toàn để ngăn chặn sớm các chiêu thức này.
“Với hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó thì quyền năng đối với tài sản là đất rất lớn, nếu không kiểm soát được các hoạt động liên quan sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập, không kiểm soát được. Do vậy, theo chúng tôi, hệ thống pháp lý và thực tiễn quản lý cần quan tâm đặc biệt đến những chiêu trò này của người trung Quốc ở Việt Nam”, Luật sư Cao lưu ý.