Giá phòng giảm kịch sàn, vẫn ế ẩm
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong tháng 8, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 16,3 nghìn lượt người, tăng 16,9% so với tháng 7. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến chỉ đạt gần 3,8 triệu lượt người, giảm 66,6% so với cùng kì năm trước.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước đạt 322.500 tỉ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kì năm trước.
Nhiều trung tâm du lịch cũng ghi nhận số doanh thu giảm mạnh như Khánh Hòa giảm 59%; Quảng Nam giảm 53%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 42%; TP.HCM giảm gần 42%; Đà Nẵng giảm gần 32%; Hà Nội giảm gần 18%;...
Ế ẩm vì dịch bệnh, nhiều khách sạn ở những vị trí "đất vàng" cũng xuống nước giảm giá phòng, thậm chí đóng cửa.
Khảo sát trên trang Agoda, loạt khách sạn 3- 5 sao tại vị trí trung tâm Hà Nội và TP HCM đang báo giá phòng giảm mạnh 60 - 80%.
Đơn cử, giá cho 1 phòng 2 người tại khách sạn 4 sao Silk Path (Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được giảm giá tới 83% còn khoảng 1,3 triệu đồng/đêm, trong khi bình thường có giá gần 8 triệu đồng/đêm.
Hay như giá cho 1 phòng 2 người tại khách sạn 5 sao Hanoi Daewoo Hotel (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cũng chỉ còn 1,3 triệu đồng/đêm, giảm 83% so với mức giá bình thường (gần 8 triệu đồng/đêm).
Tọa lạc tại trung tâm TP.HCM (đường Nguyễn Huệ, Quận 1), khách sạn 6 sao The Reverie Saigon cũng đang có chính sách giảm giá mạnh để hút khách. Giá cho 1 phòng 2 người chỉ còn 5,5 triệu đồng/đêm, giảm 52% so với mức giá bình thường (11,5 triệu/đêm),...
Tuy nhiên, việc giảm giá kịch sàn cũng không kéo lại được khách để bù đắp doanh thu, nhiều chủ khách sạn không cầm cự được và phải rao bán.
Khách sạn 5 sao cũng rao bán
Tại Hà Nội, hàng loạt các khách sạn tại trung tâm đã phải rao bán như khách sạn Candle 4 sao tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình) có diện tích hơn 2.000 m2, 20 tầng đang được rao bán với giá 880 tỷ đồng.
Tại Phố Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm), một khách sạn 4 sao, 10 tầng cũng được rao bán với giá 130 tỷ đồng.
Tại phố Giảng Võ (quận Ba Đình) khách sạn 5 sao Grand Vista Hà Nội cao 17 tầng nổi và 3 tầng hầm, với 165 phòng nghỉ và chức năng đang được rao bán 950 tỷ đồng.
Tương tự, khách sạn 5 sao Atlanta Hà Nội với quy mô 16 tầng trên diện tích 560m2, ở Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng) cũng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo Zing, tại TP.HCM, từ tháng 6 đến nay, dọc trục đường Lý Tự Trọng (quận 1) - một trong những con đường có lượng khách du lịch trong và ngoài nước đông đúc nhất khu trung tâm, bắt đầu xuất hiện nhiều tòa khách sạn 3-4 sao được rao bán với giá từ hơn 200- 1.200 tỷ đồng .
Nằm gần vòng xoay ngã 6 Phù Đổng, một khách sạn 3 sao với quy mô 110 phòng, 8 lầu đang được chủ nhà bán giá 230 tỷ đồng . Khách sạn hiện có hợp đồng cho thuê hơn 800 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt, một tòa nhà khách sạn chuẩn 4 sao quy mô 18 tầng nổi với 150 phòng nghỉ gần nút giao Lý Tự Trọng - Chu Mạnh Trinh có giá 1.200 tỷ đồng cũng đang tìm người mua lại.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Đà Nẵng và Khánh Hòa. Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến lượng khách du lịch đến hai địa phương này sụt giảm mạnh. Nhiều chủ khách sạn và cơ sở lưu gặp nhiều khó khăn khi công suất buồng phòng dưới 5% buộc phải đóng cửa hàng loạt.
Cụ thể, tại Đà Nẵng, tình trạng rao bán khách sạn xuất hiện chủ yếu tại "phố khách sạn" ở quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Còn tại Khánh Hòa, theo tìm hiểu, nhiều khách sạn 3-4 sao thuộc khu phố Tây Nha Trang đang được rao bán với giá từ 80 đến hơn 200 tỉ đồng.
|
Phải mất 1-2 năm mới phục hồi trở lại
Trong khi đó, dự báo về tình trạng ế ẩm của các khách sạn cao cấp, chia sẻ với báo Thanh niên, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa cho biết, tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất 1 - 2 năm nữa.
Nguyên nhân, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành du lịch được dự báo còn “đóng băng” đến hết 2021 mới có thể dần vực dậy. Mặt khác, đối tượng khách du lịch chọn ở khách sạn 4 - 5 sao thường là khách quốc tế, có điều kiện kinh tế hoặc người lớn tuổi, những người rất thận trọng, đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu nên phải đến khi dịch bệnh thực sự được kiểm soát, họ mới trở lại đi du lịch.
Hiện nay, kể cả khi các đường bay quốc tế đang rục rịch được nối lại thì lượng khách chủ yếu vẫn là dân văn phòng, chuyên gia của các công ty, chỉ chiếm một lượng nhỏ nguồn khách, không thể đủ sức cáng đáng chi phí hoạt động quá lớn của 1 khách sạn 4 - 5 sao.
“Thực tế các khách sạn hạng sang mới đang chịu khó khăn lớn nhất. Đúng là những tập đoàn lớn sẽ có vốn trường, vốn dày nhưng để chịu lỗ nặng từ 1 - 2 năm không phải là đơn giản. Một số khách sạn chọn tạm ngưng hoạt động để cắt giảm tối đa chi phí, cố cầm cự qua dịch; Một số vẫn duy trì hoạt động không có nghĩa tiềm lực lớn còn chịu được mà có thể doanh nghiệp đang rất cần dòng tiền. Đối tượng này khả năng bán tháo cao. Từ giờ đến cuối năm, tình hình kinh doanh dịch vụ khách sạn sẽ còn xấu đi, dự báo một cuộc bán tháo khách sạn hạng sang sắp diễn ra”, ông Hòa nhận định.
Hà Linh (T/H)/SHTT