Nhà đầu tư lướt sóng mất hút
Những qua, việc đầu tư lướt sóng trong bất động sản luôn là cơ hội lớn cho nhiều nhà đầu tư. Việc giao dịch và thu hồi dòng vốn nhanh cùng khoản lợi nhuận tốt đã tạo ra những đợt đầu tư ngắn hạn và trở thành xu hướng tại thời điểm ấy.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, từ cuối năm 2019, nhà đầu tư lướt sóng khá vắng bóng trên thị trường. Bởi, khó khăn từ dịch bệnh kéo dài đã khiến đầu ra sản phẩm mà nhà đầu tư ngắn hạn đang nắm giữ gặp phải nút thắt, khi dòng tiền trên thị trường bị chững lại do tâm lý trữ tiền. Ngoài ra, nguồn thu nhập cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến thiếu nguồn cầu, khiến nhà đầu tư lướt sóng bị vướng lại.
Theo khảo sát của một số đơn vị môi giới bất động sản, khoảng 1/3 số lượng nhà đầu tư hiện nay không còn bị thu hút với việc đầu cơ lướt sóng. Nhiều người chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy hàng nhanh hơn trong mùa dịch thậm chí là thu hồi vốn hoặc lỗ.
Theo Vnexpress, chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty Tín Thành đánh giá, thị trường nhà đất hiện không có sóng, phần lớn dòng tiền đặt ở chế độ chờ (án binh bất động) đã khiến các nhà đầu tư lướt sóng mất hút khỏi đường đua.
Ông cho rằng, nhóm nhà đầu tư này phân hóa mạnh mẽ, những người lướt sóng ngắn hạn chọn chế độ "ngủ đông" chờ qua mùa dịch. Số còn lại phải chuyển kế hoạch đầu tư sang dài hạn khi chứng kiến những người lướt sóng ngắn hạn nếm trái đắng vì cố tạo sóng trong giai đoạn thị trường thanh khoản kém, buộc phải chịu mất cọc (tiền đặt cọc).
Theo ông Duyệt, rủi ro của thị trường địa ốc trong những tháng cuối năm 2020 sẽ tăng dần so với đầu năm và mức rủi ro của năm 2020 cũng cao hơn những năm trước đó. Điều khiến các dự phòng rủi ro được đặt ở mức cao là do không đo lường được, không biết dịch bệnh diễn biến tiếp theo như thế nào, ảnh hưởng kinh tế, chính trị toàn cầu, biến động giá vàng đến đâu và tâm lý đầu tư sẽ thay đổi ra sao.
|
Rủi ro của thị trường địa ốc trong những tháng cuối năm 2020 sẽ tăng dần so với đầu năm và mức rủi ro của năm 2020 cũng cao hơn những năm trước đó. |
Phần còn lại của thị trường gồm nhà đầu tư chuyên nghiệp vốn trung bình và nhà đầu tư vốn lớn có hành vi đối lập nhau. Các nhà đầu tư được xét vào nhóm chuyên nghiệp nhưng tài chính hạn chế dành thời gian cuối năm 2020 để quan sát, săn tìm cơ hội một cách thận trọng. Trong khi đó, các nhà đầu tư vốn lớn mùa này lại hoạt động cực kỳ xông xáo. Với thế mạnh có thâm niên và dòng vốn dự trữ lớn, đủ nguồn lực để ôm hàng dài hạn, đây là nhóm nhà đầu tư duy nhất chủ động xuống tiền lúc này khi chọn được quỹ đất ưng ý và thương lượng được mức giá hợp lý.
Theo ông Duyệt từ cuối năm 2020 trở đi, thị trường địa ốc vùng ven Sài Gòn sẽ xuất hiện nhiều cơ hội săn bất động sản giá tốt khi các nhóm nhà đầu tư yếu thế (lướt sóng mắc cạn, dùng đòn bẩy quá đà) mất khả năng thanh toán. Làn sóng bán dưới giá thị trường để thu hồi tiền mặt về nhằm tái cấu trúc danh mục đầu tư có thể tăng nhanh hơn. Khi thanh khoản thị trường kém dần, giảm giá trên thị trường thứ cấp là một trong những giải pháp thúc đẩy giao dịch diễn ra nhanh hơn. Bước ngoặc thử thách tâm lý thị trường lúc này là bên dò đáy có sẵn sàng mua vào hay vẫn muốn chờ vùng giá thấp hơn nữa.
Covid-19 đã thay đổi hành vi của nhà đầu tư
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường bất động sản thời gian qua đã có sự chậm nhịp. Những năm 2017 - 2018, chúng ta có thể chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường, nhà nhà đổ xô đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2019, các chỉ số của thị trường ngay lập tức giảm xuống, lượng hấp thụ chỉ còn khoảng 70% so với năm 2018.
Ông Đính cũng cho rằng, thời gian qua chính sách của thị trường bất động sản cũng đã bộc lộ những yếu điểm. Nhiều dự án ở các đô thị lớn phải dừng lại để thanh kiểm tra, cũng như hạn chế phát triển các dự án ở các địa phương. Mỗi địa phương có khoảng 20-30 dự án bị dừng triển khai, còn các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM còn tới cả trăm dự án.
Cho đến đầu năm nay, với nhiều dự báo tích cực nhưng Covid-19 đã thay đổi hành vi đầu tư của người Việt. Xu hướng giữ tiền mặt được lựa chọn nhiều hơn thay vì đi đầu tư.
|
Đây không phải là thời điểm khách hàng mua BĐS "lướt sóng" có lãi |
Từng chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup cho rằng, đây không phải là thời điểm khách hàng mua BĐS "lướt sóng" có lãi, chuyện này đã xảy ra cách đây 10 năm. Hiện nay, mua chung cư là nhu cầu thực hoặc để cho thuê.
Đối với đất nền, theo ông Hưng, có thể "lướt nhanh", nếu không "lướt" được thì có thể tồn hàng chục năm. Trong trường hợp này, nhà đầu tư không thoát được hàng cũng cần bình tĩnh. Bởi đầu tư đất nền phải dài hạn, khi xong hạ tầng, dân cư đến ở thì mới có hiệu quả. Vì vậy, nhà đầu tư đất nền phải xác định đầu tư dài hạn, không bị áp lực tài chính. Nếu dùng đòn bẩy tài chính trong 10 năm sẽ thiệt hại vô cùng.
Đồng quan điểm, ông Dương Đức Hiển, chuyên gia BĐS nhìn nhận, câu chuyện đầu tư mua nhà "lướt sóng" xảy ra cách đây 10 - 15 năm trước, đó là giai đoạn đầu tiên của BĐS. Ngày nay, thị trường phát triển nhanh, minh bạch, hầu như đều có khung giá chuẩn, sản phẩm BĐS phải nhìn đầu tư trung hạn và dài hạn.
“Riêng về đầu tư chung cư, nếu đầu tư "lướt sóng" thì thận trọng, còn đầu tư cho thuê thì phải học... đầu tư”, ông Hiển nói.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ