Khảo sát một số trang rao bán bất động sản, cho thấy đất nền ở một số khu vực tại Đà Nẵng giảm giá khá sâu so với thời đỉnh "cơn sốt". Chẳng hạn, tại khu vực phía Nam Đà Nẵng, giá chuyển nhượng đất giai đoạn 2018 được rao ở mức gần 4 tỉ đồng/lô, giờ hiện đã giảm xuống còn 3 tỉ đồng/lô. Đất dự án khu đô thị FPT City hiện cũng giảm còn 2,4 tỉ đồng/lô so với mức giá 3,6 tỉ đồng/lô đầu năm 2019.
Hay, giá đất dự án khu đô thị Golden Hills, khu đô thị Phước Lý đã giảm từ khoảng 3,6 tỉ đồng/lô xuống còn 2,2 tỉ đồng/lô có diện tích 100m2 và mặt đường 7,5m.
Có những lô đất 100m2 tại Nam Đà Nẵng đầu năm 2019 có giá trên 4 tỉ đồng, nhưng ở thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng trên 2 tỉ đồng/nền. Tại phía Nam đường Nguyễn Tri Phương, mức giá giao dịch cũng chỉ còn gần 3 tỉ đồng/lô 100m2, trong khi mức giá trước đó vào thời điểm sốt (năm 2018) khoảng là 4.5 tỉ đồng/nền.
|
Mặc dù có hiện tượng giảm giá sâu nhưng hoạt động giao dịch mua bán tại Đà Nẵng hiện tại khá ít, có những khu vực trước đó dân đầu tư đổ về mua bán ồ ạt thì hiện nay vắng bóng. Bên cạnh việc nhiều NĐT có tâm lý phòng thủ, lựa chọn giữ tiền mặt để tránh rủi ro trong thời kỳ dịch bệnh và kinh tế suy giảm thì có nhiều NĐT còn "mắc cạn" tại đây vì không ra được hàng.
Tại báo cáo thị trường BĐS Đà Nẵng mới đây, DKRA Vietnam cho rằng, trong 7 tháng đầu năm 2020, thị trường BĐS nhà ở Đà Nẵng chứng kiến sự sụt giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc do tác động của dịch bệnh. Đặc biệt, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vốn là thế mạnh của Đà Nẵng càng bị ảnh hưởng trầm trọng hơn.
Có thể nói, BĐS nghỉ dưỡng gần như "ngủ đông" trong suốt thời gian qua. Mặc dù cuối tháng 5 và tháng 6 có những dấu hiệu tích cực trở lại với một vài dự án được đưa ra thị trường nhưng gần như chỉ mang tính chất thăm dò.
Toàn thị trường trong 7 tháng đầu năm chỉ tiêu thụ khoảng 233 căn hộ du lịch, mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Phân khúc biệt thự biển cũng ghi nhận sức mua chung của thị trường rất thấp. Trong 7 tháng đầu năm 2020, khu vực Đà Nẵng không có dự án mới mở bán và mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động.
Còn với phân khúc đất nền, giá bán sơ cấp và thứ cấp giảm mạnh, sức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp, xu hướng giảm kéo dài từ giữa năm 2019 đến nay. Giao dịch thứ cấp kém sôi động, thị trường có dấu hiệu giảm giá sơ cấp và thứ cấp ở một số dự án.
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản, dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản Đà Nẵng. Các dự án ở hầu hết các phân khúc đều giảm giá sâu do tác động của dịch bệnh. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn là thế mạnh của Đà Nẵng lại càng bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Lập cho hay, trong chu kỳ giảm giá này, Đà Nẵng đã đi trước một năm so với thị trường chung cả nước.
Theo đó, tháng 3/2019, thị trường bất động sản Đà Nẵng đạt đỉnh và sau một năm (tháng 3/2020), giá đất nền, sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường đã giảm từ 30 - 50% tùy khu vực. Cộng thêm dịch Covid lần thứ hai đã làm thị trường thêm "rung lắc dữ dội".
Lý giải nguyên nhân của sự ảm đạm trên thị trường, ông Lập cho rằng, 68% GDP của thành phố được đóng góp từ ngành du lịch dịch vụ, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng rất lớn.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa bao giờ có tình trạng ảm đạm, đìu hiu như hiện nay. Toàn thành phố "đóng cửa", nhiều khách sạn rao bán. Nhiều chủ hàng, chủ đầu tư và nhà đầu tư gặp “cú sốc” lớn và lo lắng thị trường sẽ khó vượt qua "đại nạn".
“Chưa bao giờ có một thị trường mong manh và dễ vỡ như thế", ông Lập chia sẻ.
Một nguyên nhân nữa khiến giá bất động sản Đà Nẵng giảm, giao dịch giảm là do sự kỳ vọng cao vào sự phát triển của Đà Nẵng, giá đất tại đây quá cao ở giai đoạn trước. Đơn cử, lô đất đường Võ Nguyên Giáp năm 2010 có giá 19,5 triệu đồng/m2, đến năm 2018 lên tới 350 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, ông Lập cũng đánh giá, xu hướng giảm giá của thị trường bất động sản hiện nay cũng khiến giá bất động sản tiến về gần hơn với giá trị thực.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng liên tiếp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, thậm chí trong tháng 8 vừa qua hầu hết các hoạt động dịch vụ, kinh tế, xã hội tại khu vực này đều ngừng giao dịch. Như vậy, làm sao BĐS có thể có giao dịch để đánh giá được? Nếu có chăng, chỉ là một số giao dịch nhỏ lẻ của một số nhà đầu tư lướt sóng, phải bán do không đủ lực về tài chính.
Ngoài ra, theo ông Đính, vấn đề chính sách cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường này từ trước đó.
“Từ cuối năm 2019, thị trường BĐS Đà Nẵng nói riêng đã liên tiếp gặp nhiều trở ngại, tác động không tốt tới thị trường, đó là rất nhiều dự án tại Đà Nẵng bị rà soát; hàng loạt vụ án, đại án cũng có mặt ở tỉnh này; vấn đề pháp lý tại các dự án cocobay, condotel, cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng,… nên đã tác động tạo tâm lý e ngại tới một số nhà đầu tư thời gian qua. Tuy nhiên, về bản chất các nhà đầu tư đều hiểu thị trường Đà Nẵng là cơ hội và tiềm năng” – ông Đính nhấn mạnh.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ