MDF Dongwha Việt Nam: Chưa phê duyệt ĐTM dù đã có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Mặc dù trong danh mục ngành nghề thu hút vào Khu công nghiệp Sông Công II đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không có ngành nghề nhà máy sản xuất gỗ, tuy nhiên ngày 27/7/2019, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên vẫn tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Sông Công II, cho Dự án MDF Dongwha Việt Nam.
|
BQL các KCN Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ảnh: Môi trường Đô thị. |
Được biết, Dự án MDF Dongwha Việt Nam là Dự án của nhà đầu tư Dongwha Enterprise CO, LTD có trụ sở chính tại Incheon (Hàn Quốc).
Đây là dự án chuyên sản xuất ván gỗ MDF (công suất 300.000m3/năm) và sàn gỗ công nghiệp công suất (3.700.000m3/năm). Diện tích đất sử dụng để thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Sông Công 2 là 500.000m2, với tổng số vốn đầu tư là trên 3,8 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, ngày 19/6/2019, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Dự án MDF Dongwha Việt Nam tại các lô CN1, CN2, CN3, CN4 Khu công nghiệp Sông Công II.
Sau khi xem xét đề nghị nêu trên, ngày 9/7/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 2685/UBND-TH, giao Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào các quy định của pháp luật xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư theo quy định.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH Dongwha Việt Nam đã có hồ sơ đề nghị Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án MDF Dongwha Việt Nam.
Tuy nhiên, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên đã từ chối xem xét việc thẩm định ĐTM của dự án nêu trên.
Sở TN&MT dựa trên cơ sở pháp lý nào?
Theo nội dung công văn gửi Công ty TNHH Dongwha Việt Nam, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Sở TN&MT nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án MDF Dongwha Việt Nam tại các lô CN1, CN2, CN3, CN4, (với diện tích khoảng 50ha) Khu công nghiệp Sông Công II, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi xem xét hồ sơ báo cáo ĐTM và các tài liệu liên quan đến dự án, đối chiếu với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, Sở TN&MT có ý kiến như sau:
Theo hồ sơ báo cáo ĐTM, Dự án có quy mô sản xuất 300.000m3 sản phẩm ván gỗ MDF/năm, 3.700.000m2 sản phẩm sàn gỗ công nghiệp/năm, 2.490 tấn Formalin/năm, 6.390 tấn keo Ure Formandehyde/năm thuộc danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhóm I, Phụ lục IIa, Mục I ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP.
Trong khi đó, theo báo cáo ĐMT Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại quyết định số 2599/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2018 của Bộ TN&MT, Khu công nghiệp ưu tiên thu hút ngành nghề đầu tư gồm: Ngành cơ khí chế tạo máy, cơ sở, sản xuất, lắp giáp ô tô, ngành sản xuất điện tử; ngành dệt, may không có ngành sản xuất sản phẩm từ gỗ MDF, gỗ công nghiệp và hóa chất.
Tại mục 4, điều 2 trong Quyết định cũng nêu rõ: Trong quá trình thực hiện nếu dự án có những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chủ dự án phải có báo cáo và chỉ được thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ TN&MT.
Tại mục 1.4.1 mục tiêu của ĐTM cũng nêu rõ: Xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư trong đó ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp như: Cơ khí chế tạo máy, cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô; sản phẩm hàng điện tử…
Cả phần 1.4.2 giải thích rõ những ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư cũng không thấy nhắc tới các ngành về sản xuất MDF hay gỗ công nghiệp…
|
Quyết định phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Môi trường Đô thị. |
Từ các nội dung trên, Sở TN&MT chưa có cơ sở xem xét việc thẩm định báo cáo ĐTM Dự án MDF Dongwha Việt Nam tại các lô CN1, CN2, CN3, CN4, Khu công nghiệp Sông Công II, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.
Đề nghị Công ty TNHH Dongwha Việt Nam khẩn trương liên hệ với Ban quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên để báo cáo Bộ TN&MT việc bổ sung ngành nghề sản xuất sản phẩm gỗ MDF, gỗ công nghiệp và hóa chất vào Khu công nghiệp Sông Công II và thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Việc triển khai dự án chỉ được thực hiện sau khi đã có chấp thuận của Bộ TN&MT vào báo cáo ĐTM dự án được phê duyệt theo quy định.
Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/3/2017 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công 2, tại mục 3, điều 1 cũng đã nêu rõ: Mục tiêu đầu tư: Xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp như: Cơ khí chế tạo máy, cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm hàng điện tử…
Tại Quyết định số 1018/QĐ-UBND tỉnh Thái Nguyên ngày 25/4/2017 về việc phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II cũng nêu rõ: Xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư phát triển các ngành nghề công nghiệp như: Cơ khí chế tạo máy, cơ khí, sản xuất lắp giáp ô tô; sản xuất hàng điện tử.
|
Chưa được thẩm định ĐTM nhưng nhiều máy móc, công nhân đã thi công tại vị trí mà Công ty TNHH Dongwha Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ở KCN Sông Công II. Ảnh: Đại Đoàn Kết. |
Đáng chú ý, trong khi bị Sở TN&MT từ chối thẩm định ĐTM thì thời gian qua tại vị trí mà Công ty TNHH Dongwha Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Công II xuất hiện nhiều máy móc, công nhân thi công nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng của Dự án.
Để làm rõ các vấn đề nêu trên, phóng viên đã đăng ký làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và UBND TP Sông Công tuy nhiên đã hơn 1 tháng trôi qua, cả hai cơ quan này đều “im lặng” đến khó hiểu.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ