Hoãn cưỡng chế là sai luật?
Liên quan đến việc rầm rộ ra quân cưỡng chế khu nhà mẫu tại dự án Picity High Park của Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư (công ty Gia Cư) ngày 26/11/2019 vừa qua, nhưng đoàn cưỡng chế không thể thực hiện. Theo ghi nhận của PV, lí do đoàn cưỡng chế không thể thực hiện là do có thêm “tình tiết mới” nên phải xin chỉ đạo từ cấp trên.
Cùng với đó, theo biên bản làm việc của đoàn cưỡng chế với đại diện công ty Gia Cư có thể hiện: “Công ty Gia Cư báo cáo quá trình thực hiện pháp lý đầu tư dự án đến nay đã có Quyết định chấp thuận đầu tư của UBND TPHCM. Nhằm tháo dỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kiến nghị đối với công trình tạm được xây dựng trong ranh giới đất dự án. Trường hợp các sở, ngành không thống nhất cho tồn tại do vi phạm trật tự xây dựng. Công ty cam kết sẽ tự tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu trong vòng 10 ngày sau khi nhận được văn bản thống nhất của Sở Xậy dựng”.
|
Công trình xây dựng không phép bị buộc cưỡng chế khắc phục hậu quả |
Cùng với cam kết trong biên bản này, công ty Gia Cư cũng cung cấp thêm cho đoàn cưỡng chế ba Quyết định, Văn bản khác gồm: Phiếu chuyển số 58163/PC-ĐT ngày 15/11/2019 của UBND TPHCM cho Sở Xây dựng TPHCM, văn bản số 366/BXD-HDXD ngày 25/11/2019 của Bộ Xây Dựng cho công ty Gia Cư về việc hướng dẫn về giấy phép xây dựng, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở Gò Sao số 5013/QĐ-UBND ngày 25/11/2019 của UBND TPHCM.
Không hiểu, đoàn cưỡng chế đã xin ý kiến hay có lệnh chỉ đạo từ ai? Vì ngay lập tức sau đó, đoàn đã dừng việc cưỡng chế và cho công ty Gia Cư thêm thời hạn 15 ngày để nhanh chóng liên hệ các sở ngành để có văn bản hướng dẫn về xây dựng công trình tạm kể từ ngày 26/11/2019.
Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc và hoài nghi việc được ưu ái của công ty Gia Cư cho công trình sai phạm tại dự án Picity High Park? Bởi theo quyết định cưỡng chế số 5378/QĐ-CCXP ngày 23/08/2019, thì đến nay đã là hơn 3 tháng. Tuy nhiên, việc cưỡng chế chẳng những chưa thực hiện mà tiếp tục được kéo dài thêm thời gian. Liệu rằng, đây có phải động thái nhằm có thêm thời gian hợp thức hoá công trình sai phạm tại dự án này?
Đồng thời, việc đoàn cưỡng chế của phường Thạnh Xuân tạm ngưng việc cưỡng chế để công ty Gia Cư đi xin ý kiến của các sở, ngành liệu có đúng luật hay không? Bởi theo quy định, thì Quận ra quyết định cưỡng chế, thì đều có thời hạn. Trong thời gian đó, công ty có quyền tự tháo dỡ công trình sai phạm hoặc xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn. Thế nhưng, nếu đã quá hạn của quyết định cưỡng chế, muốn gia hạn thì Quận phải có văn bản chấp thuận chứ không thể bằng lời nói miệng.
Quận 12 ra quyết định cưỡng chế là có lí do
Theo tìm hiểu của PV, thì công trình tạm là công trình không cần phải xin phép xây dựng. Tuy nhiên, trước khi thi công công trình tạm, chủ đầu tư cần phải gửi thông báo đến cho UBND phường, UBND quận cũng như Thanh tra Sở Xây dựng về việc thi công công trình này.
Về vấn đề xử phạt hành chính và cưỡng chế bắt buộc thì thông thường, trong quy trình về xử phạt công trình xây dựng không phép, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ là đơn vị thanh tra, kiểm tra. Nếu có vi phạm thì sẽ giao cho quận ra quyết định xử phạt (do quận là đơn vị hành chính). Cho nên, việc xử phạt công trình xây dựng sai phép, vốn đã được Thanh tra Sở Xây dựng biết và và đưa ra phương án ngay từ đầu.
Nếu xét sâu xa về công trình này, thì đây được công ty Gia Cư xây dựng với nhiều mô hình, sa bàn, cũng như nhà mẫu của dự án để đưa khách tới tham quan và chào bán căn hộ. Trong khi công ty Gia Cư luôn cho rằng đó là công trình tạm, nhà điều hành cho dự án nên không cần phải xin phép xây dựng. Vậy, việc làm này có phù hợp với tính chất của một “công trình tạm” hay không? công ty Gia Cư đang cố tình lập lờ khái niệm “công trình tạm” và “nhà mẫu dự án” để mong hợp thức hoá cho sai phạm của mình?
|
UBND phường Thạnh Xuân có tự ý cho hoãn cưỡng chế tại dự án Picity High Park? |
Bởi nếu chiếu theo quy định thì, các công trình tạm được xây dựng trong khu vực dự án nhằm phục vụ thi công cho công trình như: Văn phòng làm việc, lán trại cho công nhân ăn nghỉ tại công trường, nhà kho, nhà sản xuất tại chỗ phục vụ thi công xây dựng, các công trình dẫn dòng thi công, đường thi công, trạm trộn bê tông… nếu đáp ứng được yêu cầu tại Điều 131 thì thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm C khoản 2 điều 89 Luật Xây dựng năm 2014. Như vậy, ta có thể hiểu, công trình tạm, chính là công trình phục vụ thi công cho công trình chính, và không được sử dụng để kinh doanh.
Cũng có thể, do công trình tạm đó được xây dựng trên phần diện tích đất công trình công cộng, hoặc đất công viên cây xanh, mảng xanh trong dự án. Hoặc có thể là xây dựng trên phần đất mà theo quy định, sau khi hoàn thiện sẽ phải bàn giao cho quận quản lý. Vì lúc đó, công ty Gia Cư xây dựng ở trên phần đất không phải của mình, hoặc là phần đất không có chức năng xây dựng. Nếu rơi vào trường hợp này, thì chỉ cần xem lại chủ trương đầu tư, bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quyết định giao đất là sẽ rõ ràng.
Vậy nên, cho dù công ty Gia Cư luôn cho rằng đây công trình tạm là công trình không cần phải xin giấy phép xây dựng, nhưng việc ban hành quyết định cưỡng chế của UBND quận 12 không hẳn là không có lý do.
Như vậy, rõ ràng ở đây khi mà UBND quận 12 đã ban hành các quyết định về xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đã xác định rõ việc vi phạm trật tự xây dựng tại dự án Picity High Park. Tuy nhiên, ngay ngày tạm hoãn cưỡng chế, phường Thạnh Xuân chưa cung cấp được một văn bản nào từ UBND quận 12 cho việc tạm hoãn này. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ cho việc phường Thạnh Xuân tự ý “chống lệnh” UBND quận 12, cho hoãn cưỡng chế nhằm tạo điều kiện cho công ty Gia Cư hợp thức hoá sai phạm tại dự án?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Anh Đức – Bảo Bảo (Theo Sở Hữu Trí Tuệ)