Vì sao xã Cổ Loa trở thành “điểm nóng” về vi phạm trật tự đô thị?

ĐTVN 14:11 15/10/2021

Thành Cổ Loa là di tích quốc gia đặc biệt. Vậy tại sao tình trạng vi phạm trật tự đô thị tại đây lại trở nên phức tạp. Nhiều người đặt câu hỏi, chính quyền xã Cổ Loa năng lực quản lý yếu hay thờ ơ?

Khu tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết về vua An Dương Vương (208 - 179 TCN) định đô, xây dựng nhà nước Âu Lạc tự chủ. Trải qua hơn 2000 năm, Loa Thành chỉ còn lại những dấu tích nhưng là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội.

Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó), nay thuộc huyện Ðông Anh.

Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là "tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ".

Ngày 3 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1004/QĐ-TTg Phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa (Tỷ lệ 1/2.000). Trong đó, Quyết định của người đứng đầu Chính phủ yêu cầu việc bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích thành Cổ Loa trở thành Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với quy hoạch phân khu tại khu vực và quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Trình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Cổ Loa đang khiến người dân bức xúc.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan Khu di tích, các biện pháp bảo vệ di tích, hạn chế tăng trưởng dân số và tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, cơ quan liên quan.

Mặc dù Thủ tướng yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp đối với việc bảo vệ di tích nhưng thời gian qua, nhiều vấn đề trong việc quản lý di tích quốc gia đặc biệt này khiến không ít người dân và giới văn hóa cảm thấy bức xúc.

Vi phạm trật tự xây dựng tràn lan

Đó là sự việc xảy ra tại khu Bãi Miễu (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh). Cũng phải nói thêm, khu vực bãi Miễu là khu khảo cổ học đã tổ chức khảo cổ từ nhiều năm trước và được xác định là khu vực sinh sống của người Việt cổ, cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật di sản.

Theo kết luận số 25 của UBND huyện Đông Anh về nội dung tố cáo ông Nguyễn Kim Nhật, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa khẳng định có vi phạm trật tự xây dựng tại xã này.

Cụ thể, khu vực Bãi Miễu có nhiều công trình vi phạm, xây dựng trên đất nông nghiệp như ông Đào Văn Thắng, ông Bùi Minh Đề, ông Nguyễn Văn Lợi, ông Đào Thị Thu, ông Nguyễn Văn Bẩy, ông Đào Văn Bình, bà Đặng Thị Phương.

Khu vực Bãi Miễu bị "băm nát" bởi những ngôi nhà lớn như thế này nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý.

Ngày 15/5/2018, UBND xã Cổ Loa (đại diện là ông Nguyễn Kim Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa) đã làm việc với ông Đào Văn Thắng liên quan đến việc đổ thải, xây bờ bao trên diện tích nông nghiệp. Cùng ngày, UBND xã Cổ Loa đã lập biên bản vi phạm lĩnh vực đất đai đối với ông Đào Văn Thắng đối với hành vi phạm xây dựng bó bờ ruộng trên diện tích đất được giao theo nghị định 64/CP của hộ gia đình ông Đào Văn Vây (Bố đẻ ông Thắng). Ngày 17/5/2018, UBND xã Cổ Loa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng.

Sau đó, UBND xã Cổ Loa đã xử lý vi phạm đối với các hộ Đặng Thị Phương, Đào Văn Bình, Nguyễn Văn Bẩy, Đào Thị Thu, Bùi Minh Đề, Nguyễn Văn Lợi.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm và khiến người dân bức xúc chính là việc đến nay, việc vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra mà không bị xử lý. Trách nhiệm của UBND xã Cổ Loa trong sự việc này đến đâu?

Trong kết luận của UBND huyện cũng khẳng định: “Đối với vi phạm đất đai tại khu Bãi Miễu thông Mạch Tràng, 10/5/2021, UBND huyện đã có văn bản về việc kiểm tra, báo cáo công tác quản lý đất đai, trong đó có nội dung chỉ đạo UBND xã Cổ Loa hoàn thiện hồ sơ vi phạm gửi về UBND huyện trước ngày 30/5/2021. Tuy nhiên đến nay, UBND huyện chưa hoàn thiện hồ sơ vi phạm theo chỉ đạo của UBND huyện”.

Người dân đặt câu hỏi, tại sao UBND xã Cổ Loa, đứng đầu là ông Nguyễn Kim Nhật lại không sốt sắng trong công việc xử lý vi phạm này?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Kết luận của UBND huyện Đông Anh cho rằng, liên quan đến vi phạm đất đai, tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không phép, trách nhiệm thuộc về nguyên Chủ tịch xã Cổ Loa và đương kim chủ tịch UBND xã Cổ Loa là ông Nguyễn Kim Nhật. Ngoài ra là các cán bộ chuyên môn có liên quan.

“Mặc dù vi phạm của các hộ diễn ra trong thời gian dài (có hội gia đình xây dựng công trình vi phạm trước thời điểm ông Nguyễn Kim Nhật giữ chức vụ Phó chủ tịch và Chủ tịch UBND xã) nhưng trong thời kỳ giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND xã Cổ Loa, phụ trách công tác quản ý đất đai, trật tự xây dựng và giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Cổ Loa, ông Nguyễn Kim Nhật chưa tham mưu, xử lý dứt điểm đối với các vi phạm đất đai của các hộ gia đình; chưa hoàn thiện hồ sơ vi phạm đất đai theo yêu cầu của UBND huyện. Do đó việc công đân tố cáo ông Nguyễn Kim Nhật thiếu trách nhiệm trong việc xử lý vi phạm là đúng”, Kết luận của UBND huyện Đông Anh nhấn mạnh.

Bà Hương cho biết, để có được công trình Nhà văn hóa xóm chùa đồ sộ, rộng hàng nghìn mét vuông (khoảng 1000m2) như bây giờ, ông Nhật đã tự ý thu hồi đất nông nghiệp, đổi đất của hai hộ gia đình ông Trường và ông Thành sang vị trí khác để mở rộng diện tích đất xây Nhà văn hóa.

Tuy nhiên, Kết luận này cũng không nêu việc xử lý trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân của UBND xã Cổ Loa như thế nào?

Trả lời PV về việc này, ông Nguyễn Kim Nhật, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết: “Đối với trường hợp đang nuôi chim bồ câu trên đất nông nghiệp ở Bãi Miễu lên đến vài nghìn con, chúng tôi không thể vào vào mà bóp chết hết bồ câu để cưỡng chế được. Việc này UBND xã đang làm hồ sơ và xin ý kiến UBND huyện”.

Liên quan đến các vi phạm trật tự xây dựng, ông Nhật nói rằng đây đều là do “lịch sử” để lại. Tuy nhiên, một số người dân phản ánh, không ít việc vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm di tích Thành Cổ Loa xảy ra khi ông Nhật giữ vị trí Phó chủ tịch UBND xã Cổ Loa phụ trách công tác quản ý đất đai, trật tự xây dựng. Thậm chí, khi ông Nhật giữu vị trí Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cũng có đơn thư tố cáo ông đích danh chủ tịch xã vì cho xây dựng nhà văn hóa ở khu đất Lõi, thuộc khu vực thành Nội Khu di tích Cổ Loa cần được bảo tồn.

Cụ thể, đơn thư của bà Vũ Thị Hương (SN 1974, ngụ xóm Gà, Cổ Loa) đã tố cáo ông Nhật tự ý cho đổi đất, thu hồi đất nông nghiệp của gia đình ông Trường và ông Thành ở khu đất Lõi, thuộc khu vực thành Nội Khu di tích Cổ Loa cần được bảo tồn, lấy đất đó để xây dựng trái phép tại thôn Chùa, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

Bà Hương cho biết, Nhà văn hóa xóm Chùa là một ngôi nhà ba gian có diện tích khoảng 400m2. Để có được công trình Nhà văn hóa xóm chùa đồ sộ, rộng hàng nghìn mét vuông (khoảng 1000m2) như bây giờ, ông Nhật đã tự ý thu hồi đất nông nghiệp, đổi đất của hai hộ gia đình ông Trường và ông Thành sang vị trí khác để mở rộng diện tích đất xây Nhà văn hóa.

“Mặt khác, Thường trực hội đồng nhân dân xã chỉ phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp Nhà văn hóa xóm Chùa chứ không cho phép xây mới hoàn toàn như ông Nhật đã thực hiện”, đơn của bà Hương khẳng định.

Bà Hương và nhiều người dân ngạc nhiên khi UBND huyện Đông Anh lại kết luận dự án Cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa xóm Chùa, xã Cổ Loa đã được phê duyệt, triển khai đầu tư, xây dựng theo đúng quy định và kết luận. Nội dung bà Hương tố cáo ông Nguyễn Nhật Kim về quản lý đất đai cho xây dựng Nhà văn hóa xóm Chùa, xã Cổ Loa trên diện tích đất nông nghiệp là tố cáo sai. Bà Hương cho biết đã làm đơn khiếu nại lại kết luận của UBND huyện Đông Anh. Bởi bà Hương cho rằng, kết luận này là bao che cho sai phạm của ông Nhật.

Ông Nhật cũng thừa nhận, hiện nay UBND xã có 2 hợp đồng cho thuê đất công từ năm 2017. Theo đó, việc cho thuê đất là để người dân trồng cây. Tuy nhiên, khi PV phản ánh, vị trí đất dọc Quốc Lộ 3 rộng khoảng hơn 6.000m2 đang bị biến thành bãi tập kết xe tải, máy xúc thì ông Nhật nói rằng: “Việc này là sai mục đích. Nhưng hợp đồng này cũng sắp hết hạn rồi. UBND xã cho thuê 5 năm, cuối năm nay là thanh lý”.

Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết, diện tích 6.000 m2 này được cho cá nhân thuê với giá 15.000.000 đồng/năm. Khi PV đề nghị UBND xã cung cấp 2 hợp đồng cho thuê đất công thì ông Nhật không đồng ý.

Vậy, việc UBND xã làm hợp đồng cho thuê đất công có được phép? Đất công UBND xã Cổ Loa cho thuê bị sử dụng sai mục đích ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Ông Nguyên Văn Xuân, thuộc phòng quản lý thành Cổ Loa cho biết, từ năm 2020 đến nay đã có hơn 20 công trình xây dựng xâm phạm đến thành Cổ Loa. Sau khi phát hiện cũng đã lập biên bản gửi lên chính quyền xã. Tuy nhiên, do thẩm quyền xử lý có hạn nên cũng chỉ biết lập biên bản gửi chính quyền địa phương.

Về công trình xây dựng, cải tạo nhà văn hóa thôn Chùa ông Xuân cho hay, đối với công trình này là nằm trong đất của thành. Khi phát hiện việc cải tạo lại thành nhà văn hóa thôn thôn phía ban quản lý thành Cổ Loa cũng đã lập biên bản gửi chính quyền địa phương. “ Chúng tôi quyền hạn cũng chỉ đến thế nên chỉ lập và gửi văn bản lên xã Cổ Loa rồi chờ họ hoàn thiện thủ tục thôi…, Còn các công trình khác thì có công trình bị cưỡng chế, có công trình không…”, ông Xuân cho biết.

Theo Minh Anh/Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vi-sao-xa-co-loa-tro-thanh-diem-nong-ve-vi-pham-trat-tu-do-thi-d114287.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao xã Cổ Loa trở thành “điểm nóng” về vi phạm trật tự đô thị? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Tin tức mới nhất