Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải ở 2 kỳ phản ánh về việc đất lâm nghiệp của gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, thôn Tân Hòa, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang mặc dù đã được cấp GCNQSDĐ vẫn lại bị chính quyền huyện Tân Yên ngang nhiên "xẻ thịt" ra bán dần.
Nguồn gốc đất rõ ràng
Theo đơn phản ánh của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, ngày 20/03/2005 ông có nhận chuyển nhượng của ông Đặng Văn Suất 1000m2 đất lâm nghiệp trồng cây ăn quả thuộc thửa số 27a, tờ bản đồ số 8 – Đồi Cửa Am, thôn Quất, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên và đã được UBND huyện Tân Yên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: Q38780 ngày 01/04/1999. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Sáng với ông Đặng Văn Suất được UBND xã Hợp Đức xác nhận ngày 01/4/2005 và đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Yên thẩm định ngày 06/04/2005, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên ký xác nhận ngày 08/04/2005.
Ngày 20 tháng 9 năm 2005, gia đình ông Nguyễn Văn Sáng đã được UBND huyện Tân Yên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào sổ cấp GCNQSD đất 03442 và kèm theo cả trích đo thửa đất do ông Cát Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Đức lúc đó ký xác nhận.
|
Trích đo thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Sáng do ông Cát Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Đức ký xác nhận ngày 04/04/2005. |
|
Trích lục bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/5000 năm 2007 thể hiện 2 thửa đất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sáng và bà Đỗ Thị Thành liền kề nhau. |
|
Trích lục bản đồ địa chính xã Hợp Đức tỷ lệ 1/1000, năm 2007: 2 thửa đất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sáng và bà Đỗ Thị Thành liền kề nhau (thửa số 27a, tờ bản đồ số 08, nay thể hiện tại thửa đất 428, tờ bản đồ số 39, năm 2007 mang tên ông Nguyễn Văn Sáng và thửa số 28, tờ bản đồ số 08, nay thể hiện tại thửa đất 396, tờ bản đồ số 39, năm 2007 mang tên bà Đỗ Thị Thành). |
Theo đó, thửa đất của ông Nguyễn Văn Sáng được xác định vị trí: phía Đông dài 30m giáp đất nhà ông Kỷ; phía Tây dài 28m giáp đất đường xóm; phía Nam dài 37m giáp đất nhà ông Quốc; phía Bắc dài 28m giáp đường và hành lang 295. Sau khi nhận chuyển nhượng, hộ gia đình ông Sáng vẫn tiếp tục sử dụng ổn định để trồng cây ăn quả.
Cũng tại văn bản mới nhất số: 1579/UBND-TNMT ngày 15/11/2012 của UBND huyện Tân Yên do ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện ký về việc cho phép cải tạo đất, hạ thấp độ cao đồi Cửa Am theo đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Sáng; Tờ trình số 05/TTr-UBND ngày 22/02/2011 của UBND xã Hợp Đức do ông Cáp Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã ký và theo đề xuất của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Yên, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Yên đã thể hiện rất rõ về 2 thửa đất liền kề nhau, không bị tách bạch, cụ thể: "Thửa đất của ông Nguyễn Văn Sáng cấp GCNQSDĐ là thửa số 27a, tờ bản đồ số 08, diện tích sử dụng 1000 m2. Nay thể hiện tại thửa đất 428, tờ bản đồ số 39 với diện tích thửa là: 2.575.7 m2, bản đồ địa chính năm 2007.” Và “Thửa đất của bà Đỗ Thị Thành số 28, số sê ri sổ: AĐ 458081 với diện tích sử dụng 600m2, tờ bản đồ số 08. Nay thể hiện tại thửa đất số 396, tờ bản đồ số 39 với diện tích thửa 2.875,7m2, bản đồ địa chính năm 2007”.
Tranh chấp kéo dài
Vào cuối năm 2012, ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Chài, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên đến tranh chấp và cản trở quyền sử dụng thửa đất của gia đình ông Sáng đã được cấp giấy chứng nhận. Ông Đông đã xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: CH 00186 cấp ngày 02/10/2012 do UBND huyện Tân Yên cấp, trong đó có ghi rõ nguồn gốc đất do ông Đông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ gia đình ông Mai Xuân Nghiêm cùng thôn Quất từ đầu năm 2012.
Ngay sau sự việc xảy ra, gia đình ông Sáng đã nhiều lần làm đơn gửi UBND xã Hợp Đức và UBND huyện Tân Yên ,nhưng suốt gần 10 năm qua vẫn chưa được các cơ quan xem xét, giải quyết.
Câu hỏi đặt ra là ông Nguyễn Văn Đông được cấp giấy chứng nhận do nhận chuyển nhượng đất từ ai ? Hợp đồng có được công chứng, chứng thực hợp pháp không? Người chuyển nhượng cho ông Đông trước kia đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ chưa? Giấy cấp năm nào? Diện tích, số thửa, tờ bản đồ nào?
Khi làm việc với UBND xã Hợp ,ông Sáng đề nghị Chính quyền xã Hợp Đức cung cấp hồ sơ để chứng minh nguồn gốc đất thì bà Đặng Thị Bích Ngọc, cán bộ địa chính xã Hợp Đức trả lời, mời anh lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Yên mà hỏi. Đồng thời,ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức cũng đã trả lời một cách vô cảm rằng “anh không có quyền hỏi hồ sơ”.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, quy định tại khoản 1, điều 66 Nghị định 84/2007/NĐ-CP thì kể từ 01/01/2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận QSDĐ mới được thực hiện quyền chuyển nhượng, trường hợp này nếu như là đất của ông Mai Xuân Nghiêm ( chủ sử dựng cũ) chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì vì sao vẫn làm được thủ tục chuyển nhượng được sang cho ông Nguyễn Văn Đông. Trường hợp này chắc chắn phải có hành vi tiếp tay của Lãnh đạo và cán bộ địa chính xã Hợp Đức thì mới có thể thực hiện chuyển nhượng được ?!
Sai chồng sai
Theo đơn gia đình ông Nguyễn Văn Sáng, do phải đi làm ăn xa, gia đình ông không có ai ở nhà, nên thửa đất của gia đình ông tại đồi Cửa Am, thôn Quất, xã Hợp Đức đã bị hộ gia đình ông Nguyễn Văn Kiên , sinh năm 1983, ở thôn Quất, xã Hợp Đức ngang nhiên xây dựng công trình nhà xưởng làm đồ gỗ và được Chính quyền xã Hợp Đức "bảo kê" cho xây dựng.
|
Công trình xây dựng nhà xưởng trái phép của ông Nguyễn Văn Kiên vẫn đang chình ình, thách thức dư luận, vẫn chưa có động thái cưỡng chế của chính quyền xã Hợp Đức. |
Khi nhận được tin báo, ngày 12/8/2020, gia đình ông đã lên xã trình báo với ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức, thay vì tiếp thu ý kiến và yêu cầu cán bộ có thẩm quyền kiểm tra xác minh, ông Hội đã trả lời "Gia đình làm đơn kiện ra toà án...".
Một điều khá bất ngờ, tại cuộc họp giải quyết vụ việc xây dựng công trình trái phép nêu trên giữa UBND xã Hợp Đức với gia đình ông Nguyễn Văn Sáng chiều 09/09/2020, ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức đã thông báo là thửa đất đang tranh chấp trên là thửa đất công ích do xã quản lý và xã đã bán cho ông Nguyễn Văn Kiên, đồng thời cũng đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Văn Kiên.
Thật là kỳ lạ và sốc, một thửa đất với nguồn gốc của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sáng rất rõ ràng được UBND huyện Tân Yên cấp GCNQSDĐ cho ông Đặng Văn Suất từ năm 1999 (sau đó chuyển nhượng cho hộ ông Nguyễn Văn Sáng từ năm 2005), nay UBND xã Hợp Đức lại tự ý cắt bán ông Nguyễn Văn Đông, rồi lại tiếp tục cắt bán cho ông Nguyễn Văn Kiên?!
Ông Nguyễn Văn Sáng và bà Đỗ Thị Thành đặt câu hỏi và đề nghị UBND xã Hợp Đức trả lời: Tại sao, 2 thửa đất của vợ chồng tôi (thửa số 27a, tờ bản đồ số 08, nay thể hiện tại thửa đất 428, tờ bản đồ số 39, năm 2007 mang tên ông Nguyễn Văn Sáng và thửa số 28, tờ bản đồ số 08, nay thể hiện tại thửa đất 396, tờ bản đồ số 39, năm 2007 mang tên bà Đỗ Thị Thành) trước kia 2 thửa liền kề nhau, nhưng bây giờ lại có phần đất công ích của xã kẹp ở giữa 2 lô đất trên, để rồi sau đó UBND xã Hợp Đức lại đem bán cho ông Nguyễn Văn Kiên? Cơ sở nào để tách 2 thửa đất đó ra?
Tại sao đất đang có tranh chấp lại được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Văn Kiên? Tại sao khi cấp giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Văn Kiên lại không có chữ ký của hộ giáp ranh?
Hàng loạt câu hỏi đã được ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức trả lời “ gọn lỏn” như lần trước, nếu ông bà Sáng không đồng ý thì làm đơn khởi kiện ra Toà án... Còn bà Đặng Thị Bích Ngọc, cán bộ địa chính xã Hợp Đức thì lại trả lời "Không cần phải ký hộ giáp ranh"...?!
Một lần nữa ông Chủ tịch UBND xã Hợp Đức Trần Văn Hội lại mang toà án ra để "doạ" người dân, "Không đồng ý thì kiện ra toà...", còn bà Đặng Thị Bích Ngọc, cán bộ địa chính xã trả lời với giọng đầy thách thức.
Theo Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Điều 101 Luật đất đai năm 2013 có quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...:
"1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".
Như vậy, trong trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Sáng do đất đang có tranh chấp với ông Nguyễn Văn Đông, thì không thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Kiên được.
Cũng theo Luật sư Trương Xuân Hải, việc trả lời của ông Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức là vô trách nhiệm với người dân. Với bà Đặng Thị Bích Ngọc, cán bộ địa chính xã Hợp Đức trả lời khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Đông, ông Nguyễn Văn Kiên không cần phải ký giáp ranh các hộ liền kề là thiếu hiểu biết về pháp luật, nhất là bà Ngọc lại đang làm cán bộ địa chính xã lại càng không thể chấp nhận được.
"Việc ký giáp ranh là để xác nhận đất không có tranh chấp. Đây là thủ tục bắt buộc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Điều này được quy định trong khoản 2 Điều 101 Luật đất đai năm 2013" Luật sư Hải cho biết thêm.
Theo Điều 101, Luật đất đai năm 2013 : Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất....
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."
Trường hợp đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nên muốn cấp giấy chứng nhận, UBND cấp xã phải kiểm tra ba yếu tố là: tính ổn định lâu dài, phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp để xem xét cấp giấy cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất không có giấy tờ trước ngày 01/7/2014. Yếu tố không có tranh chấp được thể hiện thông qua việc các hộ gia đình, cá nhân sinh sống xung quanh diện tích đất đó ký giáp ranh xác nhận không có tranh chấp và tính đến thời điểm làm hồ sơ xin cấp giấy không có đơn tranh chấp.
Thật không thể hiểu nổi về cách làm việc của các "quan" trong xã Hợp Đức và các “quan” huyện Tân Yên. Có thể nói, đây là sự điển hình của sự vô cảm, đùn đẩy trách nhiệm, cố tình bao che cho những hành vi sai phạm, để vụ việc sai phạm kéo dài rồi cho “chìm xuồng” ?!
Theo quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền như : UBND xã Hợp Đức (Địa chính xã); Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Yên; Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng Đất huyện Tân Yên phải lưu trữ toàn bộ hồ sơ về đất đai , khi có tranh chấp hoặc có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này phải có nghĩa vụ cung cấp hồ sơ tài liệu để chứng minh cho người dân, dư luận và báo chí biết sự thật của vụ việc, chứ sao lại đùn đẩy, trả lời cùn theo kiểu “Chí phèo” như vậy ? Thế đâu phải là thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước quản lý về chuyên môn ?!
Được biết, công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp của ông Nguyễn Văn Kiên là khá rõ ràng, nhưng không hiểu vì lý do gì, công trình nhà xưởng trái phép này vẫn ngang nhiên chưa được cưỡng chế mặc dù UBND xã đã có biên bản ghi nhận sai phạm. Nhân dân xã Hợp Đức hết sức bất bình và đặt ra câu hỏi, chính quyền xã Hợp Đức đang cố tình làm ngơ, thách thức dư luận, tiếp tục “bao che” cho tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép này.
Vấn đề tranh chấp của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sáng 10 năm nay chưa được giải quyết và việc cấp đất “vô tổ chức”, bất chấp pháp luật của UBND xã Hợp Đức mà trực tiếp là các đời Chủ tịch xã như ông Cáp Văn Sơn, ông Đặng Văn Sinh và hiện nay là ông Trần Văn Hội và cán bộ địa chính là bà Đặng Thị Bích Ngọc, người dân xã Hợp Đức và huyện Tân Yên ai cũng biết, nhất là những lãnh đạo thôn Quất qua các thời kỳ, nhưng lãnh đạo UBND huyện Tân Yên vẫn cố tình làm ngơ, không lắng nghe ý kiến của nhân dân cũng như các cơ quan báo chí.
Dư luận đặt câu hỏi ai là người đứng đằng sau những vị “quan xã” này để họ hành xử không đúng pháp luật về đất đai như hiện nay? Việc cắt đất bán vô tổ chức như vậy nhằm mục đích gì? có hành vi trục lợi cá nhân hay không cần phải được làm rõ.
Một điều rõ ràng, với sự làm ngơ của lãnh đạo UBND huyện Tân Yên thì cần sự vào cuộc toàn diện của các cơ quan quản lý cấp trên như Sở Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang mới có thể xử lý vấn đề nổi cộm nói trên tại xã Hợp Đức nói riêng và huyện Tân Yên nói chung.
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin về những “kỹ năng” hô biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư tại huyện Tân Yên và xã Hợp Đức ở các loạt bài tiếp theo.
Đăng Khôi/MTĐT