Việc đập bỏ công viên nước Thanh Hà là giải pháp cứng rắn để răn đe, ngăn chặn việc buông lỏng quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc một công viên nước không phép hơn 3ha chỉ còn lại một đống gạch vụ sau cưỡng chế đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi, rằng cán bộ lãnh đạo địa phương ở đâu trong suốt thời gian xây dựng công viên, để một công trình được hoàn tất hoành tráng, đi vào hoạt động 6 tháng rồi lại vội vàng đập bỏ gây lãng phí, thiệt hại đến 200 tỷ đồng?
Vì sao Cienco5 gửi kiến nghị?
Liên quan đến vụ việc xảy ra vào giữa tháng 1 vừa qua, lực lượng liên ngành quận Hà Đông, Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ công viên nước Thanh Hà - công viên nước lớn nhất thủ đô, Chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà - công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý khẩn cấp việc UBND quận Hà Đông thực hiện không đúng quy định của pháp luật về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với Công ty.
|
Lực lượng chức năng quận Hà Đông phá dỡ công viên nước Thanh Hà sau gần 1 tháng ra quyết định cưỡng chế - Ảnh: tuoitre.vn |
|
Để tồn tại xây dựng không phép, sai phép rồi phá dỡ là một sự lãng phí. Ảnh: baoxaydung.com.vn |
|
Nhiều hạng mục trong công viên nước vừa xây dựng xong đã bị phá nát - Ảnh: tuoitre.vn. |
Cụ thể, công viên nước Thanh Hà được Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Đây là công viên nước lớn nhất thủ đô với số vốn đầu tư lên tới 200 tỷ đồng.
Vào cuối tháng 12-2019, UBND quận Hà Đông đã ban hành quyết định 5079 cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với Công ty CP phát triển địa ốc Cienco5 (công ty con do Tập đoàn Mường Thanh sở hữu hơn 95% cổ phần), chủ đầu tư công viên nước Thanh Hà, vì xây dựng công trình không phép.
Trước khi bị phá dỡ, quần thể công viên nước Thanh Hà được xây dựng gồm bể bơi bốn mùa và nhà thi đấu đa năng, là khu vui chơi được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Phía bên ngoài công viên được thiết kế, xây dựng với kiến trúc như tường thành của tòa lâu đài.
Công viên nước có 9 hạng mục trò chơi mạo hiểm, tốc độ như đường trượt 4 làn, đường trượt xoắn ốc, vòng xoáy khổng lồ, sông lười, hố đen vũ trụ, máng trượt, khu tạo sóng nhân tạo.
Bên cạnh đó, kể từ khi đưa vào khai thác hồi tháng 6-2019, công viên nước Thanh Hà cũng để xảy ra 2 vụ trẻ em bị chết do đuối nước.
Theo ghi nhận từ Dân trí, trong văn bản gửi Thủ tướng, đại diện Cienco 5 cho biết do vi phạm nên công ty chấp hành việc quyết định tháo dỡ.
Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản nên Công ty này đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp nhận.
"Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…", Cienco 5 cho biết.
Ông Dương Ngọc Thỏa - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Lương, quận Hà Đông cho biết: Toàn bộ công trình công viên nước này xây dựng không có giấy phép, xây dựng trái phép nên bị phá dỡ theo quy định pháp luật. Ủy ban nhân dân quận Hà Đông là cơ quan ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình.
Cũng theo ông Thỏa, những văn bản liên quan đến việc yêu cầu tự phá dỡ, thông báo cưỡng chế phá dỡ đã được gửi đến chủ đầu tư trước đó. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện tự tháo dỡ công trình nên buộc phải cưỡng chế.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, bà Đoàn Thu Hà, Chánh văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết, quan điểm của chính quyền là làm đúng theo quy định của pháp luật.
Quận đã gửi hai quyết định tới chủ đầu tư. Tuy nhiên sau 15 ngày, chủ đầu tư không chịu tháo dỡ nên UBND phường Phú Lương (quận Hà Đông) đã thực hiện tháo dỡ theo quyết định của quận Hà Đông.
Cần truy trách nhiệm của cán bộ quản lý cấp quận, cấp phường?
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng: Về thẩm quyền, quận Hà Đông là cơ quan có trách nhiệm quản lý tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Cần truy trách nhiệm của cán bộ quản lý cấp quận, cấp phường để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Ông Võ cho rằng đang có lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị khi một công viên nước hoành tráng xây dựng không phép giữa thủ đô, đi vào hoạt động sau 6 tháng mới bị cưỡng chế.
"Người ta vẫn đồ rằng có lợi ích nhóm, có sự chung tay của cán bộ quản lý cấp phường, cấp quận, nhận phong bì rồi không làm gì, để mặc chủ dự án muốn làm gì thì làm" - ông Võ nêu ý kiến.
|
Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. |
Cùng quan điểm với ông Đặng Hùng Võ, ông Tống Văn Nga - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Việc cưỡng chế, phá dỡ công viên nước Thanh Hà là giải pháp xử lý sai phạm trật tự xây dựng đã diễn ra, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Ông Nga cho rằng nếu không có sự bao che của cán bộ cấp phường, cấp xã thì công viên nước đó không thể tự mọc lên được. Nhưng về cách xử lý đập bỏ đầy lãng phí, theo ông Nga, lẽ ra nên biến nó thành không gian vui chơi cho cộng đồng của khu đô thị Thanh Hà có diện tích rộng khoảng 388ha.
Tình trạng xây dựng không phép do buông lỏng quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, như tại công viên nước Thanh Hà, thời gian qua diễn ra tại nhiều địa phương. Hành vi này cần phải được ngăn chặn ngay từ đầu, trường hợp cần thiết buộc phải điều chỉnh lại toàn bộ quy hoạch xây dựng đô thị cho phù hợp, không thể để xây xong rồi đập bỏ, rất lãng phí.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ