Người có tiền sử dị ứng có nên tiêm phòng vaccine COVID-19?

DTVN 14:24 25/05/2021

Theo Bộ Y tế, người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên cần thận trọng, nhưng không phải tất cả trường hợp có tiền sử dị ứng đều chống chỉ định tiêm vaccine COVID-19

Theo Sức khỏe đời sống, vaccine COVID-19 cũng là một loại thuốc. Cũng như bất kỳ thuốc hoặc vaccine nào khác, sau khi tiêm có thể gặp một số phản ứng sau tiêm. Điều này là hoàn toàn bình thường và nằm trong dự liệu của các nhà khoa học. Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine COVID-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và hết trong vòng vài ngày đến 1 tuần.

Các dấu hiệu phản ứng xảy ra chứng tỏ vaccine đang kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Đây là một phần của quá trình huấn luyện hệ miễn dịch cách nhận diện mục tiêu và tiêu diệt virus Sars-Cov-2 nếu mắc phải.

Tùy theo cơ địa của từng cá thể mà vaccine có thể gây ra một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng. Đối với những người có tiền sử mắc các bệnh dị ứng, thì sau tiêm vaccine có thể gặp dị ứng cao hơn so với những người không mắc bệnh dị ứng.

khai bao y te truoc khi tiem covid
Do đó, theo nguyên tắc của việc dùng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị hoặc trước khi tiêm vaccine, người từng có cơ địa dị ứng cần khai báo kỹ để bác sĩ cân nhắc việc có nên tiêm vaccine hay không và nếu tiêm sẽ có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Theo Hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế, người có tiền sử dị ứng không nên tiêm vaccine trong các trường hợp sau:

- Không tiêm vaccine với những trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần hoạt chất hoặc tá dược nào liệt kê trong mục thành phần vaccine.

- Không tiêm vaccine cho người có cơ địa dị ứng hoặc bệnh lý có sẵn, nếu không chắc chắn về tình trạng dị ứng do cơ địa, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

- Không tiêm vaccine COVID-19 khi bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch (corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc ung thư).

- Không tiêm vaccine nếu đang bị nhiễm trùng, sốt (≥ 37,5°C).- Không tiêm vaccine khi có các vấn đề về xuất huyết/chảy máu hoặc bầm tím, hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.

Theo Hướng dẫn, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine.

Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng

- Đang mắc bệnh cấp tính.

- Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù.

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.

- Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19.

- Tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước.

- Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng.

- Người trên 65 tuổi.

- Giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

Tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế.

Các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng

Các đối tượng sau đây phải được khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh viện:

Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định.

Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:

- Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút.

- Huyết áp:

Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg

Huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg

- Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có)

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nguoi-co-tien-su-di-ung-co-nen-tiem-phong-vaccine-covid-19-d99098.html

Bạn đang đọc bài viết Người có tiền sử dị ứng có nên tiêm phòng vaccine COVID-19? tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất