TÂN CHỦ TỊCH TP.HCM PHAN VĂN MÃI VÀ KỲ VỌNG CỦA NHÂN DÂN TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19

DOANH NHÂN VIỆT NAM 07:25 26/08/2021

Ông Phan Văn Mãi được HĐND TP.HCM bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM giữa lúc thành phố này đang bước vào cuộc chiến chống COVID-19 cam go nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy, có không ít những thách thức,

Sáng 24/8, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM đã được các đại biểu HĐND TP.HCM khóa X bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 thay cho ông Nguyễn Thanh Phong được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương với số phiếu 87/89 (đạt 97,75% số đại biểu có mặt). Với số phiếu bầu gần như tuyệt đối, phần nào cho thấy niềm tin của cử tri đặt vào tân Chủ tịch UBND TP.HCM.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trân trọng cảm ơn đại biểu HĐND TP.HCM đã tín nhiệm bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP.HCM. Đồng thời với tư cách là người kế nhiệm, ông cũng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp to lớn của ông Nguyễn Thành Phong cho sự phát triển của thành phố trên cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM hơn một nhiệm kỳ qua.

Ông Mãi chia sẻ, nhận nhiệm vụ vào thời điểm hết sức khó khăn, ông nhận thức đây vừa là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trọng trách, thách thức rất lớn.

Mở đầu chương trình hành động của mình, ông Phan Văn Mãi khẳng định: "Luôn luôn tiếp thu, lắng nghe ý kiến của mọi người với tinh thần cầu thị, không bảo thủ, định kiến".

Ông cũng cho biết, sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp mới để huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

"Tôi rất mong nhận được sự ủng hộ và góp ý của đại biểu HĐND, cử tri và đồng bào thành phố để bổ sung hoàn thiện chương trình hành động của mình, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, chức trách được giao, góp phần xây dựng sự phát triển chung của thành phố", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Ông Phan Văn Mãi nhậm chức khi TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhưng hiện nay số ca nhiễm mới mỗi ngày ở TP.HCM vẫn không ngừng tăng và số người tử vong do COVID-19 cũng ở mức vài trăm ca/ 1 ngày.

Trả lời báo chí về mục tiêu phòng chống dịch khi giữ vai trò mới, ông Mãi cho biết nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là huy động tất cả nguồn lực từ trong và ngoài thành phố để nâng cao năng lực điều trị, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 để giảm tử vong. Ông Mãi nhấn mạnh đây là mục tiêu số 1.

Song song với đó là tập trung chăm lo đời sống người dân, đảm bảo công tác an sinh xã hội; giải quyết nhu cầu hằng ngày về chăm sóc sức khỏe, nhu cầu thiết yếu để người dân yên tâm thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.

Cụ thể, TP.HCM sẽ thực hiện đồng bộ, bài bản các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tinh thần nghị quyết 86 của Chính phủ, cải thiện tình hình như giãn cách xã hội, tăng cường công tác xét nghiệm để phát hiện F0, đẩy nhanh tiêm vaccine và thông tin truyền thông, qua đó dần dần cải thiện tình hình và mở cửa lại nền kinh tế.

“Tôi khẳng định mở cửa lại nền kinh tế của TP.HCM là yêu cầu đặt ra hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta phải có kế hoạch cụ thể và việc mở cửa phải có lộ trình từng bước. Tôi sẽ chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng của thành phố nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch cụ thể để ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch bệnh trong điều kiện hiện nay, để khôi phục và phát triển kinh tế phù hợp với bệnh còn kéo dài, phức tại”, tân Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Nói về mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 15/9, ông Mãi cho biết: “Nói đến ngày 15/9 kiểm soát được dịch bệnh không có nghĩa đến đó là hết dịch”. Mà theo ông có thể tới đó số ca nhiễm COVID-19 sẽ giảm, số ca phải vào viện điều trị sẽ nhỏ hơn số giường, phù hợp với năng lực điều trị của TP, số ca tử vong sẽ giảm; hay số "vùng xanh" sẽ mở rộng hơn, "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng vàng" giảm đi.

“Đó là các tiêu chí để đo lường cho việc ngày 15/9 kiểm soát được dịch bệnh, chứ không phải đến ngày 15/9 là không còn dịch”, ông Mãi nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, TP.HCM đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước để bổ sung các biện pháp từ nay đến 15/9 và đồng thời có kế hoạch sau 15/9.

Cụ thể, TP.HCM sẽ tính toán, tùy theo tình hình dịch mà mở cửa nền kinh tế. Việc mở cửa nền kinh tế, mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên nguyên tắc phải đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch COVID-19. Những ngành thiết yếu, TP.HCM phải có biện pháp duy trì mà mở rộng các ngành này. Đối với những ngành quan trọng phải có giải pháp an toàn để duy trì và mở rộng sản xuất.

Ở địa bàn "vùng xanh" – vùng an toàn, sẽ tiến hành các hoạt động tương đối mở rộng hơn. Trong khi đó, ở nơi mà doanh nghiệp hay người dân có thể có sáng kiến đảm bảo an toàn trong sản xuất, thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mở ra.

Cũng Theo ông Mãi, TP.HCM đang cho nghiên cứu chương trình để có thể quản lý về cá nhân, quản lý các hoạt động di chuyển, sản xuất, dịch vụ và quản lý các điểm đến.

“Nếu đảm bảo an toàn – mỗi người được tiêm vaccine rồi, không có dấu hiệu mắc COVID-19 và có hành trình di chuyển an toàn, điểm đến an toàn thì có cá nhân an toàn. Với hành trình an toàn, điểm đến an toàn, cá nhân an toàn, chúng ta sẽ tổ chức được các hoạt động dịch vụ.

Đó là những ý định mà chúng tôi sẽ tập trung xây dựng thành kế hoạch cụ thể để chuẩn bị lâu dài cho TP.HCM. Tinh thần là nỗ lực thực hiện giãn cách, tiếp tục xét nghiệm, mở rộng độ bao phủ của vaccine, cộng với nỗ lực trị bệnh, dùng thuốc, can thiệp kịp thời, cấp cứu đúng lúc thì sẽ có cơ sở tốt để đảm bảo an toàn và từ đó từng bước mở lại hoạt động kinh tế”, ông Mãi chia sẻ.

Theo giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn, qua thống kê tại các quận, huyện và TP Thủ Đức ghi nhận hơn 2,5 triệu người dân TP.HCM đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Do đó, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian giãn cách cũng là 1 bài toán đang chờ người đứng đầu UBND TP giải quyết.

Nói về vấn đề này, ông Mãi cho biết đây cũng là vấn đề mà TP quan tâm, lo lắng. Khi thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó” thì nhu cầu về sinh hoạt cơ bản tối thiểu nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men rất quan trọng.

“Lo lắng cho gia đình 4 người có khi đã khó, còn lo cho trên 10 triệu người càng không đơn giản”, ông Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, trước hết, TP rà soát lại các chính sách, các việc đã có chủ trương rồi thì bây giờ triển khai tới đâu. Mấy ngày tới, sẽ kiểm tra để đảm bảo khi đã có chủ trương, chính sách rồi thì tổ chức thực hiện ngay. Chỗ nào còn tồn đọng, phải khẩn trương triển khai. Đồng thời rà soát lại các đối tượng khó khăn chưa được hỗ trợ để bổ sung hỗ trợ.

“Chính phủ cũng đồng ý trong lúc khó khăn này thì cần nhất, nhanh nhất có thể là hỗ trợ nhu cầu bà con. Sau đó thì phần nào thành phố lo được thì lo, còn không thì xin Chính phủ. Không chờ khi có chính sách, thủ tục thì mới làm”, ông Mãi nói.

Ông Mãi cũng cho hay, những chính sách này sẽ được TP.HCM thông báo để người dân biết, ai chưa được thì liên hệ hoặc thông qua giám sát của HĐND TP.HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, giám sát của báo chí, của người dân để nhắc nhở các cấp chính quyền thực hiện cho tốt hơn.

Ông Mãi được Bộ Chính trị điều động làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 ngày 1/6 khi đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, thay ông Trần Lưu Quang, người được điều động giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Khi nhận công tác tại TP.HCM, ông Mãi tham gia nhiều vào công tác chống dịch trên địa bàn với vai trò là Phó ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố, từ ngày 28/6.

Trong công tác chống dịch gần đây, ông Phan Văn Mãi đã có mặt chia sẻ trong buổi phát động phong trào "Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia, phòng chống dịch COVID-19" và ra mắt trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch COVID-19.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo chống COVID-19 thành phố liên tục có nhiều sự thay đổi nhân sự. Ngoài việc Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong kiêm Trưởng bản chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố được điều động, phân công nhiêm vụ mới, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo sẽ nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9. Trước đó, từ ngày 9/7, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) được biệt phái qua làm Phó thường trực Trung tâm điều phối xét nghiệm COVID-19 trong 6 tháng. Mới nhất, thành phố cũng bổ sung ông Phạm Đức Hải, nguyên Phó chủ tịch HĐND thành phố làm Phó ban chỉ đạo, phụ trách phát ngôn về công tác phòng chống dịch.

“TP.HCM đang trong thời khắc hết sức khó khăn nhưng tôi có một niềm tin, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự giúp sức của trung ương và cả nước, sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta nhất định sẽ vượt qua khó khăn này” - ông Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố là nơi hội tụ những nhân tài và nguồn lực phát triển. Nếu khơi dậy được và kết nối được thì nguồn lực phát triển rất lớn, và đó là mục tiêu ông đeo đuổi trong thời gian tới.

“Bản thân tôi chịu ơn TP.HCM, từ khi đi học và có thời gian làm việc tại đây. Trong suốt thời gian làm việc của mình cũng có những liên hệ, nhận được sự giúp đỡ lớn từ thành phố. Trong trọng trách sắp tới, tôi tâm niệm là phải học tập nhiều hơn nữa để có thể đảm đương được nhiệm vụ được giao”, ông Mãi chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết TÂN CHỦ TỊCH TP.HCM PHAN VĂN MÃI VÀ KỲ VỌNG CỦA NHÂN DÂN TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19 tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất