Chiều ngày 11/1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022 và 2023. Mục tiêu chính của chương trình là tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo thêm dư địa cho phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.
Cụ thể, về chính sách tài khóa, Quốc hội thống nhất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...
Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao nhất 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong hai năm 2022 và 2023, trong đó bố trí cao nhất 14 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho y tế. Hỗ trợ lãi suất (2%/năm), cao nhất 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi.
Về chính sách tiền tệ, tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Quốc hội cũng đồng ý sử dụng cao nhất 46 nghìn tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết…
TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam đánh giá, quy mô chính sách hỗ trợ không lớn như mức đề xuất của giới nghiên cứu và doanh nghiệp, song đây là con số được Quốc hội và Chính phủ cân đối mọi mặt, từ năng lực ngân sách, khả năng hấp thụ đến hệ lụy rủi ro có thể phát sinh.
Hơn nữa, chương trình lần này có nhiều điểm tích cực. Ðó là xác định tương đối rõ nét về mục tiêu, đối tượng, quy mô, không dàn trải hay chung chung như chương trình hỗ trợ trước đây.
Tập trung vào những nội dung thiết yếu như đầu tư cho y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; đầu tư cơ sở hạ tầng đem lại tác động cả trước mắt và lâu dài; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm cả giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất thay vì giãn, hoãn nhiều như trước và có cấu phần tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp rõ nét hơn thông qua giảm lãi suất.
Quan tâm nhiều hơn đến đối tượng chịu tác động mạnh trước đại dịch như hoạt động vận tải, du lịch, người lao động... và có đánh giá tương đối cụ thể về tác động của chương trình đối với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, nợ công, thâm hụt ngân sách.
Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tin tưởng, nếu thực hiện tốt các định hướng chính sách tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước cùng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Nếu không có chương trình hỗ trợ, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ có thể đạt từ 4,5 - 5%.