Dịch vụ khoa học và công nghệ có hoạt động phục vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Hoạt động đo lường là việc thiết lập, sử dụng đơn vị đo, chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường; thông tin, đào tạo, tư vấn, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.
Hiện nay, dịch vụ tư vấn về đo lường chủ yếu tập trung vào tư vấn hoạt động về đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; hoạt động chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; hoạt động đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất; hoạt động công bố dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn; đào tạo kiểm đinh, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo; các hoạt động khác liên quan đến đo lường.
|
Tuy nhiên, các hoạt động tư vấn về đo lường mang tính tự phát, phụ thuộc vào nhu cầu của từng doanh nghiệp, cá nhân. Nghiên cứu sơ bộ thấy rằng việc xuất hiện dịch vụ tư vấn đo lường nói riêng và tư vấn khoa học và công nghệ là tất yếu khách quan cũng giống như nhiều ngành, nghề của các lĩnh vực khác trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.
Hoạt động tư vấn đo lường xuất hiện đã xuất hiện nhiều lợi ích và song liền với một số bất cập như: không chịu trách nhiệm trong hoạt động tư vấn; Không có hành lang pháp lý để hoạt động; Tư vấn không đúng gây thiệt hại cho cá nhân và doanh nghiệp và gây lãng phí của cải, vật chất cho xã hội.
Năm 2017, Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã đưa ra tiêu chí xác định Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người đáp ứng tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng; Ngày 11/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Điểm c Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2020 quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành phải xây dựng tiêu chí và công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên trong ngành, lĩnh vực phụ trách;
Ngày 29/6/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5226/VPCP-DMDN ngày 29/6/2020 về việc đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tại Điểm c, Mục 4 của Công văn số 5226/VPCP-DMDN đã nhắc Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng và ban hành tiêu chí công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên về đo lường trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”.
Ngày 26/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2021 (thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tại điểm đ Khoản 5 Điều 28 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn viên về đo lường, khắc phục những bất cập về hiện trạng tư vấn đo lường trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nêu trên và triển khai thực hiện Điểm đ Khoản 5 Điều 28 Nghị định 80/2021/NĐ-CP, chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc xây dựng nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng quy định công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên về đo lường trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” là cần thiết và là công cụ hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thời gian qua, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu tài liệu, xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn về những nội dung liên quan đến. Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng dự thảo Quyết định ban hành “Quy định công nhận tổ chức, cá nhân thuộc mạng lưới tư vấn viên về đo lường trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”. Ngoài ra, tổ chức các hội thảo, gửi lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan đối với dự thảo Quyết định. Nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quyết định.