Biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển xã hội

vietq 16:35 11/03/2023

Cần có biện pháp để khai thác các chính sách phát triển tài sản trí tuệ, biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển xã hội; tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động sở hữu trí t

Bộ KH&CN vừa phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị toàn quốc về sở hữu trí tuệ năm 2023. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 6/2022, Luật Thanh tra năm 2022 cũng đặt ra các vấn đề về cơ cấu tổ chức, chức năng hoạt động của thanh tra sở hữu trí tuệ. Đồng thời, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao cũng đang xây dựng đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ dung một số điều của Luật Tổ chức TAND để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, trong đó có nội dung thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở TAND Cấp cao Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang đặt ra nhiều yêu cầu trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Do đó mỗi một địa phương cần có những đề xuất, tham mưu để hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp để khai thác các chính sách khai thác tài sản trí tuệ, biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển xã hội. Đồng thời, cũng cần tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng cho rằng, hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung đánh giá mang tính đột phá. Do đó, nhiệm vụ trước mắt là khẩn trương hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, bên cạnh hoạt động xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, các cơ quan, ban ngành và Sở KH&CN các địa phương cũng cần gấp rút rà soát các pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhất là pháp luật về đầu tư, tài chính... Cùng với đó là tăng cường hoạt động triển khai các chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác tài sản trí tuệ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp, các viện, trường cũng cần vào cuộc mạnh mẽ với tinh thành "các doanh nghiệp, các viện, trường với tinh thần "doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; viện, trường là các chủ thể nghiên cứu mạnh".

Lãnh đạo Bộ KH&CN khẳng định, đây sẽ là một trong các giải pháp đột phá để Bộ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, cũng như tạo các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, viện, trường thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo, biến tri thức thành của cải, vật chất, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, trong quá trình này, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sở hữu trí tuệ, coi đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm giải quyết dứt điểm tồn đọng trong hoạt động xác lập, bảo hộ quyền sở hữu cũng là nhiệm vụ cần được làm tốt trong thời gian tới.

Về phía Bộ KH&CN, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cần tiếp tục chủ động, tích cực tham gia đàm phán các nội dung về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại; bảo đảm thực thi nghiêm túc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ ở các địa phương.

Hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết với địa phương

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành và địa phương.

Năm 2022, lượng đơn nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng cao (7,1%), trong đó đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 3,3% so với năm 2021; lượng văn bằng bảo hộ cấp ra tăng 8,3% so với năm 2021. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tăng 18%; số lượng đơn liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng 18%, kết quả xử lý các loại đơn sau cấp văn bằng bảo hộ tăng 4% so với năm 2021.

Ở cấp địa phương, các Sở KH&CN luôn là một địa chỉ tin cậy để người nộp đơn, doanh nghiệp đề nghị giúp đỡ, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Năm 2022, đã có gần 4.000 lượt cá nhân, tổ chức được các Sở KH&CN tư vấn, hướng dẫn về sở hữu công nghiệp trong đó có 3.505 lượt về nhãn hiệu, 135 lượt về kiểu dáng công nghiệp, 100 lượt về sáng chế và hàng trăm lượt về các đối tượng khác.

Trong năm 2022, đã có 38 tỉnh, thành phố ban hành 57 văn bản thể hiện các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau, 132 nhiệm vụ được các địa phương triển khai thực hiện với 118 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp (21 chỉ dẫn địa lý, 52 nhãn hiệu chứng nhận và 45 nhãn hiệu tập thể), 268 doanh nghiệp và 320 tổ chức tập thể được hỗ trợ, gần 19.000 lượt người được tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động nói chung vẫn không đồng đều và tại nhiều địa phương hoạt động này chưa phát huy tác dụng tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan lãnh đạo, điều hành hoạt động sở hữu trí tuệ.

Nhiều địa phương, nhất là ở những nơi mà hoạt động thị trường còn kém sôi động, hoạt động sở hữu trí tuệ còn đơn giản, vai trò quản lý nhà nước mờ nhạt, bị động, vẫn còn tình trạng trông chờ hoặc giẫm chân lên nhau giữa các cơ quan quản lý có liên quan. Năng lực, kiến thức chuyên môn về sở hữu trí tuệ của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở các địa phương còn bất cập, tình trạng lúng túng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trông chờ, lệ thuộc vào ý kiến của cơ quan chuyên môn ở Trung ương còn phổ biến.

Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ..., ông Trần Lê Hồng cho rằng, các Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành ở địa phương trong việc tham mưu, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sở hữu trí tuệ của mình, từ việc đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho đến khai thác, sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện và hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cùng các đại biểu thăm quan gian hàng tại Hội nghị.

Bảo hộ các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, doanh nghiệp, viện, trường; những vấn đề đặt ra cho hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương khi có luật sở hữu trí tuệ sửa đổi; phương hướng tiếp tục triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ trong thời gian tới…

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, tỉnh Thừa Thiên Huế rất chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường KH&CN; tập trung phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm...

Đến nay, toàn tỉnh có 2.041 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.196 giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 107 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp 82 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 80 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp 18 văn bằng bảo hộ độc quyền.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 2 chỉ dẫn địa lý (tinh dầu tràm Huế, nón lá Huế), 5 nhãn hiệu chứng nhận (bún bò Huế, thủ công mỹ nghệ Huế, Festival nghề truyền thống, nông sản Nam Đông, Giải thưởng Cố Đô về khoa học công nghệ) và 49 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tôm chua Huế, bún Vân Cù, gạo đỏ Quảng Điền, làng nghề nước mắm An Dương, dệt dèng A Lưới, cam Nam Đông, gạo Phú Hồ, cây ném Điền Hương... Hiện tại đang làm thủ tục bảo hộ 2 chỉ dẫn địa lý và nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể khác.

Tỉnh cũng ban hành các văn bản nhằm thúc đẩy hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ như: Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030, đến nay đã hỗ trợ cho trên 100 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua các hoạt động bảo hộ thương hiệu sản phẩm, giải pháp hữu ích, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025… Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế mong muốn Bộ KH&CN hỗ trợ tỉnh trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài.

Theo ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, số lượng sáng chế chỉ bằng 1/8 so với chủ thể nước ngoài. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; cần đổi mới cách tiếp cận, xem sở hữu trí tuệ như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ; tăng cường nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng.

Bạn đang đọc bài viết Biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển xã hội tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước
Tin tức mới nhất