Cụ thể, ngày 1/9 thì Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã trả lời các câu hỏi của VnExpress xoay quanh chiến lược chống dịch của địa phương sau khi hết thời điểm giãn cách.
Ông Quảng mở đầu bằng câu nói: "Đây là điều lãnh đạo thành phố đang trăn trở, vì không thể đóng cửa mãi được".
Vấn đề được nêu ra là nếu tiếp tục áp dụng người dân ở yên trong nhà là quyết định dễ dàng với hệ thống quản lý nhà nước của thành phố, vì đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, thành phố cũng cần phải lưu tâm tới những hệ quả khác về mặt xã hội kèm theo: tư tưởng, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng sau thời gian dài phải ở trong nhà, nhất là các hộ sống trong kiệt hẻm chật chội.
|
-- |
Lãnh đạo Đà Nẵng sẽ tiến hành họp bàn để chốt phương án "mở lại những hoạt động gì" cho người dân. Trước mắt, sau khoảng 20 ngày chống dịch thì thành phố phải khoanh được chính xác các khu vực vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh, từ đó có cách ứng xử và biện pháp phòng dịch phù hợp. Vùng đỏ phải áp dụng triệt để việc phong toả, cách ly y tế để tách F0; tăng cường các biện pháp giám sát như lắp camera, nơi có điều kiện thì bay flycam....
Riêng vùng vàng, ông Quảng cho biết thành phố sẽ mở lại một số hoạt động thiết yếu, như người dân được đi chợ vì ban điều hành khu dân cư không thể đi chợ hộ; mở lại các chợ truyền thống và chợ đầu mối; hoạt động sản xuất kinh doanh có thể tăng từ 30 lên 50% nhân lực và không tổ chức "3 tại chỗ", vì doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí quá lớn, nhiều nơi không thể đáp ứng yêu cầu... Nhưng vị bí thư lưu ý vẫn cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình này, có điều kiện kèm theo để tránh đổ vỡ thành quả chống dịch 20 ngày qua.
Đáng chú ý, về lâu dài, thành phố cho biết các cấp quản lý đã tính đến kịch bản sống chung với dịch.
Bài học "sống chung với dịch" từ các quốc gia trên thế giới
Được biết, tại cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 địa phương sáng 29/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".
Nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều có chung nhận định trên.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN khẳng định, các nước trên thế giới đều xác định sống chung với dịch trong khoảng thời gian tương lai gần kể cả khi đã phủ vaccine cho toàn bộ dân số cần tiêm. Việc duy trì phong tỏa trong thời gian dài vẫn là không thể.
Còn Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng xác định rằng ngành thuỷ sản đã xác định sẽ phải “sống chung” với đại dịch lâu dài do nhiều chuyên gia dịch tễ và nhà kinh tế học đã nhận định nhân loại sẽ phải "sống chung với đại dịch".
Trên thực tế, tại nhiều quốc gia trên toàn cầu đã chuyển sang chế độ chống dịch lâu dài, thay đổi chiến lược tiếp cận từ chấm dứt hoàn toàn sang thích nghi, sống cùng với tự tồn tại của dịch bệnh trong bối cảnh mới.
Chính phủ (CP) các nước châu Âu không kỳ vọng nhiều vào việc đại dịch sẽ chấm dứt, thay vào đó họ chọn phương án tiêm mũi tăng cường, ban hành quy định đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên và giãn cách xã hội để kiểm soát dịch COVID-19 trước khi mùa Đông tới.
Như tại Ý, CP nước này áp dụng loạt quy định mới với giấy thông hành sức khỏe để đưa cuộc sống trở lại với trạng thái bình thường.
Từ ngày 6/8, chính phủ Italy đã yêu cầu người dân phải xuất trình "thẻ xanh", một loại chứng nhận tình trạng sức khỏe kỹ thuật số, khi tham gia các sự kiện lớn, tới nhà hàng, phòng gym và nhiều địa điểm công cộng khác. Thẻ xanh về cơ bản là hộ chiếu vaccine. Đây có thể là chứng nhận kỹ thuật số hoặc giấy in, chứng minh chủ sở hữu đã tiêm đủ mũi vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 48 tiếng, hoặc từng nhiễm nCoV và đã phục hồi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, nước Ý cũng tiến hành sử dụng một hệ thống mã màu tương tự như Việt Nam để đánh giá tình hình đại dịch và mức độ ban hành các hạn chế. Các khu vực màu đỏ là nơi phải áp dụng nhiều hạn chế nhất, tiếp theo là khu vực màu vàng, xanh và trắng. Khu vực màu trắng là nơi không áp dụng bất cứ hạn chế nào ngoài việc đeo khẩu trang bắt buộc tại không gian công cộng trong nhà.
Ở Anh, dù vẫn thận trọng nhưng vẫn áp dụng cách tiếp cận khác khi lựa chọn dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế, đặt niềm tin vào vaccine và ý thức của công chúng để kiểm soát dịch bệnh. Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi người Anh học cách sống chung với Covid-19 giống như khi họ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.
Nhiều quốc gia châu Âu khác đang cân nhắc và đem ra thảo luận về tiêm mũi bổ sung người già hay người dễ bị tổn thương. Tại Đức hay Pháp ngày càng coi trọng việc tiêm vaccine là điều kiện tiên quyết để tham gia các hoạt động hàng ngày như vào nhà hàng, phòng ăn... Các chủ quán ăn không chấp hành quy định có nguy cơ bị phạt lên đến 9.000 euro (khoảng 10.600 USD). Đeo khẩu trang vẫn bắt buộc ngay cả khi tham gia giao thông. Ở một số thành phố và tiểu bang như California gần đây cũng cho biết sẽ đưa những hạn chế tương tự.
Giới khoa học nhận định rằng, kế hoạch của những quốc gia nói trên cho thấy thực tế rằng dịch COVID-19 sẽ không biến mất nhanh chóng như khi nó xuất hiện, mà thay vào đó sẽ trở thành một căn bệnh hô hấp thông thường, chẳng hạn như cúm mùa.
Nhưng, vẫn chưa thể đánh giá được mất bao lâu để COVID trở thành căn bệnh thông thường, tuy nhiên với việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch sẽ sớm lùi vào quá khứ và CP các nước kỳ vọng không còn phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để kiểm soát sự lây nhiễm.